Mô hình Bệnh viện chị - em: Điều trị nội trú tăng 150%, tạo dựng niềm tin với y tế cơ sở

- Thứ Tư, 31/01/2024, 07:42 - Chia sẻ

Sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm, mô hình “Bệnh viện chị - em” - mô hình do Sở Y tế Hà Nội nghiên cứu, sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở đã ghi nhận những kết quả tích cực.

Với sự hỗ trợ toàn diện của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, các chỉ số khám bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đều tăng khoảng 150% so với trước đó.

Tỷ lệ người bệnh xin chuyển tuyến giảm xuống rõ rệt, từ khoảng 1,75% xuống còn 1,35% số người bệnh đến khám. Đặc biệt, một số kỹ thuật trước nay chỉ có thể triển khai ở tuyến trên, nay đã được y tế tuyến cơ sở triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì để nhìn nhận rõ hơn những thành qua của mô hình “Bệnh viện chị - em” sau thời gian đầu triển khai, cũng như định hướng phát triển của bệnh viện trong thời gian tới.

Các chỉ số khám bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú đều tăng khoảng 150%

- Thưa BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh. Ông có thể cho biết những thay đổi tích cực trong công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì sau thời gian thí điểm triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em”?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Trước hết, phải nói rằng trước khi có mô hình “Bệnh viện chị - em”, ngành y tế cũng đã có những hoạt động về chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật giữa tuyến trên và tuyến dưới (như Đề án 1816 hay Đề án Bệnh viện vệ tinh). Thế nhưng, những mô hình này cũng gặp khó khăn nhất định. Thứ nhất là khó khăn về việc đi lại giữa tuyến trên và tuyến dưới. Thứ hai là thiếu nhân lực: tuyến trên thì thiếu người đi hỗ trợ, tuyến dưới thì thiếu người “đủ sức” để tiếp nhận các kỹ thuật được tuyến trên chuyển giao.

Bên cạnh đó, các mô hình trước kia đơn thuần chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhưng trong hoạt động của bệnh viện còn rất nhiều hoạt động khác, như cải thiện chất lượng, quản trị, quản lý thu chi tài chính, quảng bá truyền thông,…

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì

Xuất phát từ những khó khăn, tồn tại của mô hình cũ, Sở Y tế Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình “Bệnh viện chị - em” với mục tiêu bệnh viện tuyến trên sẽ hỗ trợ toàn diện cho bệnh viện tuyến dưới. Tuyến dưới yếu về khía cạnh nào, khó khăn, thiếu thốn những vấn đề nào mà năng lực tuyến trên có, người ta sẽ hỗ trợ toàn diện.

Mô hình “Bệnh viện chị - em” được xây dựng giống như tình cảm chị - em, tuyến trên cũng mong muốn tuyến dưới phát triển, để phục vụ người dân tốt hơn.

Chúng tôi bắt đầu triển khai “Bệnh viện chị - em” từ tháng 9. 2023. Trước đó, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có những vấn đề tồn tại như các thông tin về bệnh viện ít được biết đến; người dân địa phương chưa yên tâm về chuyên môn y tế cơ sở mà vẫn mong muốn được chuyển lên tuyến trên điều trị, muốn có bác sĩ ở tuyến trên thăm khám. Ngoài ra, quy trình khám chữa bệnh cũng chưa được thông suốt; các thủ tục đăng kí, khám chữa bệnh, làm các cận lâm sàng, đôi khi vẫn có những rườm rà.

Qua một thời gian triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em” đã cho thấy những thành tích bước đầu rất tích cực.

Chúng tôi đã cải tiến quy trình tiếp đón và đăng ký khám bệnh, qua đó triển khai quy trình 1 chiều, tiến hành thu đuổi và không giữ giấy tờ của người bệnh. Bệnh nhân được phân luồng từ khâu tiếp đón, đăng ký, khám bệnh, làm các cận lâm sàng và cấp thuốc mà không bị ùn tắc. Bổ sung thêm các khu tự phục vụ, người bệnh tự đăng ký khám bệnh dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế và đang triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án 06 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã thành lập thêm 2 đơn nguyên là đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh.

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Y bác sĩ đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì

Đối với đơn nguyên cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tư vấn bố trí, sắp xếp, bổ sung các trang thiết bị cần thiết, người bệnh đến khám được đánh giá và đưa vào điều trị ngay, sau khi ổn định sẽ thực hiện điều chuyển về các khoa lâm sàng. Hiện nay mỗi ngày có từ 20 - 25 bệnh nhân được điều trị tại đơn nguyên cấp cứu.

Đối với đơn nguyên sơ sinh (được bố trí tại khoa Nhi), Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng hướng dẫn cách bố trí, phân khu người bệnh để tránh lây chéo, thuận tiện trong cấp cứu và điều trị, các ca bệnh nhi diễn biến nặng đều được hội chẩn kịp thời. Trường hợp phải chuyển tuyến, Bệnh viện Xanh Pôn cử cán bộ hỗ trợ tư vấn trên đường vận chuyển và luôn bố trí sẵn kíp để tiếp nhận kịp thời.

Đối với các chuyên khoa khác, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cũng phân công các khoa phòng thường xuyên hỗ trợ như hội chẩn ngoại khoa, đọc kết quả online tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, cải tiến quy trình của phòng điều dưỡng, của khoa dinh dưỡng, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn còn hỗ trợ tập huấn chuyên môn, đào tạo liên tục, cấp chứng chỉ CME… Hỗ trợ trong công tác tài chính kế toán, cải tiến chất lượng, chăm sóc khách hàng, công tác xã hội…

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Một số chỉ số của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì sau khi triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em”

Có thể thấy sau hơn 4 tháng triển khai mô hình “Bệnh viện chị - em”, người bệnh đã thấy tin tưởng hơn khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Kết quả khảo sát sự hài lòng người bệnh do chúng tôi thực hiện cho thấy, đa số đều hài lòng, an tâm.

Số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện tăng lên rõ rệt. Các chỉ số khám bệnh, số bệnh nhân điều trị nội trú đều tăng khoảng 150% so với trước đó. Hiện nay, một ngày, chúng tôi khám trung bình khoảng 1.000 - 1.400 bệnh nhân, điều trị nội trú thường xuyên là 500 bệnh nhân. Tỷ lệ người bệnh xin chuyển tuyến giảm xuống rõ rệt, từ khoảng 1,75% xuống còn 1,35% số người bệnh đến khám.

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Hình ảnh so sánh khu tiếp đón tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì trước và sau triển khai mô hình "Bệnh viện chị - em"

Điều trị thành công những ca bệnh mà trước đó tỷ lệ chuyển tuyến 100%

- Ông có thể đưa ra ví dụ về một số trường hợp ca bệnh, trước đây chắc chắn phải chuyển lên tuyến trên, nhưng với mô hình "Bệnh viện chị - em", chúng ta đã có thể điều trị ngay tại y tế tuyến cơ sở?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Với sự giúp đỡ của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, một số kỹ thuật mới đã được Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì triển khai mạnh mẽ như kỹ thuật cấp cứu, sơ cứu ban đầu, kỹ thuật hồi sức, thở máy dài ngày, kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ não… - những kỹ thuật mà trước kia chúng tôi cũng có làm rồi nhưng không dám làm một cách mở rộng hoặc chuyên sâu.

Ví dụ, kỹ thuật thở máy cho bệnh nhân, trước kia, ngay cả bản thân bác sĩ cũng không yên tâm giữ bệnh nhân quá lâu, vì không tự tin vào tay nghề của mình. Chúng tôi chỉ dám giữ lại bệnh nhân 2-3 ngày, tối đa là 4-5 ngày sẽ chuyển tuyến trên ngay nếu không đỡ, nhưng bây giờ có những bệnh nhân thở máy 10-15 ngày, anh em bác sĩ vẫn yên tâm giữ bệnh nhân điều trị. Số lượng bệnh nhân của Khoa Điều trị tích cực, trước chỉ khoảng 13-15 bệnh nhân, nhưng hiện có những ngày lên đến 30 bệnh nhân.

Đặc biệt, từ khi có hỗ trợ của Xanh Pôn, chúng tôi đã triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết - phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị đột quỵ não (tắc mạch máu não). Trước đây, tỷ lệ phải chuyển tuyến đối với bệnh nhân bị đột quỵ não là 100%. Đáng nói, kỹ thuật tiêu sợi huyết chỉ có giá trị trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi người bệnh khởi phát đột quỵ, do đó việc được cấp cứu ngay tại y tế tuyến cơ sở có rất nhiều giá trị .

- Để triển khai được mô hình “Bệnh viện chị - em”, trước đó Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Chúng tôi cũng có những thuận lợi, là từ 1.6.2023 đã đưa vào sử dụng một tòa nhà mới 8 tầng, kèm theo dự án này là các trang thiết bị hiện đại như máy cộng hưởng từ, máy siêu âm, máy chụp Xquang, các hệ thống xét nghiệm,... Chính vì thế, điều kiện cơ sở vật chất cùng trang thiết bị tương đối đáp ứng được.

Bên cạnh đó, lực lượng bác sĩ chuyên môn của bệnh viện cũng tương đối với 96 bác sĩ, trong đó gần một nửa là trình độ sau đại học.

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Hình ảnh toàn cảnh bệnh viện

Trước khi mô hình này triển khai, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã có sự khảo sát với nhau, xem điều kiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực như thế nào và xây dựng một kế hoạch để phát triển từng lĩnh vực, chuyên ngành, kỹ thuật,… đảm bảo sát với điều kiện thực tế.

Giải quyết bài toán tạo dựng niềm tin với y tế tuyến cơ sở

- Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng hiện nay, niềm tin với y tế cơ sở của nhiều người dân vẫn còn hạn chế nhất định. Khi găp vấn đề sức khoẻ dù nặng hay nhẹ, người dân thường có mong muốn lên thẳng tuyến trên thăm khám, điều trị. Thực trạng này xảy ra ở đa số địa phương, khiến y tế cơ sở không phát huy chức năng của mình, trong khi đó các bệnh viện tuyến trung ương lại quá tải. Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của mô hình “Bệnh viện chị - em” trong việc khắc phục thực trạng nói trên?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Đúng như vậy. Đứng về phía tâm lý của người bệnh, luôn có 2 luồng suy nghĩ mâu thuẫn với nhau: họ không muốn đi xa, nhưng lại không yên tâm với y tế cơ sở, nên họ cố đi lên tuyến trên. Những người có điều kiện về kinh tế lại càng muốn bỏ qua tuyến y tế cơ sở để lên tuyến trên thăm khám.

Để giải quyết bài toán này, phải làm sao để người bệnh ở tuyến cơ sở nhưng vẫn được chuyên môn của tuyến trên hỗ trợ, tạo niềm tin cho họ. Mô hình “Bệnh viện chị - em” cũng xuất phát từ ý tưởng này.

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Một ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì
Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh cùng bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tại phòng khám chuyên gia - kết nối trực tiếp bệnh nhân với chuyên gia Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

Trước đây khi có Đề án 1816 (Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”), việc truyền thông còn hạn chế. Đôi khi bệnh viện tuyến trên cử người về luân phiên, nhưng người dân không biết có bác sĩ tuyến trên về.

Do đó, với sự hỗ trợ toàn diện của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bao gồm cả việc truyền thông, người dân biết Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đang được Bệnh viện Xanh Pôn hỗ trợ về mặt chuyên môn, về các lĩnh vực khác, như vậy họ yên tâm khi đến điều trị. Nút thắt là ở chỗ tạo dựng niềm tin cho người bệnh.

Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý

- Tính đến giai đoạn xa hơn, sau này khi toàn bộ các quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã đi vào bài bản, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn giãn dần sự hỗ trợ, rút về để hỗ trợ thêm các đơn vị y tế cơ sở khác, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã có sự chuẩn bị như thế nào để từ mô hình “Bệnh viện chị - em” sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Nhược điểm của các mô hình cũ là chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên về cho tuyến dưới, nhưng mức độ sẵn sàng tiếp nhận, cũng như duy trì về sau này sẽ có hạn chế. Bởi trong khuôn khổ, tuyến trên chỉ hỗ trợ về kỹ thuật thôi. Nhưng với mô hình “Bệnh viện chị - em” là hỗ trợ toàn diện, do vậy song song với việc hỗ trợ về kỹ thuật là hỗ trợ về đào tạo.

Các y bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì chúng tôi được đào tạo hàng ngày thông qua hội chẩn, đi buồng với các bác sĩ Xanh Pôn và thông qua các lớp đào tạo liên tục, các lớp chuyên đề để nâng cao kiến thức và kỹ năng do Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tổ chức. Như vậy, họ tiếp nhận được kỹ thuật và sau này có thể duy trì được các kỹ thuật này. Chỉ trong mấy tháng vừa qua, hơn 600 lượt cán bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã được tham gia các khóa đào tạo.

Định hướng xa hơn, chúng tôi cũng lên kế hoạch hỗ trợ Trung tâm y tế huyện Ba Vì và các trạm y tế xã để tiếp tục phát triển hơn nữa năng lực của y tế tuyến cơ sở.

Phó Giám đốc BV đa khoa Ba Vì: Chỉ số khám bệnh, điều trị nội trú tăng 150% sau triển khai mô hình Bệnh viện chị - em -0
Giao ban trực tuyến công tác Dược lâm sàng giữa Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì cùng Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Đại học Dược Hà Nội

- Sau thành công của mô hình thí điểm “Bệnh viện chị - em” giữa Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, có lẽ sẽ có nhiều bệnh viện tuyến huyện mong muốn xây dựng mô hình này. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Ba Vì sau thời gian triển khai vừa qua?

BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh: Chúng tôi thấy có một số vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất, để triển khai mô hình này hiệu quả cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý là Sở Y tế - mang tính định hướng chủ trương, đường lối. 

Bên cạnh đó, giữa bệnh viện giúp đỡ và bệnh viện được giúp đỡ phải thực sự gắn kết, bởi khi thực hiện mô hình này phải qua rất nhiều công đoạn. Ví dụ, ở bước đầu là khảo sát, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cử đoàn khảo sát lên đến hơn 50 người xuống Ba Vì, gồm đầy đủ các chuyên khoa, góp ý sâu sát cho từng chuyên khoa của Ba Vì. Khâu khảo sát, lên kế hoạch, 2 bệnh viện cần có sự thống nhất, bàn bạc chi tiết.

Đặc biệt, vấn đề công nghệ thông tin cần được đảm bảo. Có sự ứng dụng mạnh mẽ hệ thống công nghệ thông tin, hoạt động hỗ trợ sẽ được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Xin cảm ơn BSCKI Nguyễn Ngọc Vinh đã chia sẻ!

Nguyễn Liên - Xuân Quý
#