Hà Nội ghi nhận hơn 1,1 nghìn ca mắc sốt xuất huyết

- Thứ Ba, 05/09/2023, 17:15 - Chia sẻ

Trong tuần (từ 25-31.8), Hà Nội đã tiếp tục ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết và 66 ổ dịch. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm, thành phố đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.129 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó). Trong đó có một số quận, huyện có nhiều ca bệnh như: Đống Đa (105 ca), Cầu Giấy (86 ca), Nam Từ Liêm (77 ca), Hoàng Mai (76 ca), Đan Phượng (68 ca), Phú Xuyên (63 ca).

Trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã, điển hình như: Đông Anh (10 ổ dịch); Phúc Thọ (8 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch)… Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.693 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị  xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Thạch Thất (715 ca), Hoàng Mai (535 ca), Thanh Trì (509 ca), Bắc Từ Liêm (406 ca), Hà Đông (367 ca), Phú Xuyên (362 ca), Cầu Giấy (335 ca), Đống Đa (335 ca), Nam Từ Liêm (328 ca).

Hà Nội ghi nhận hơn 1,1 nghìn ca mắc sốt xuất huyết -0
Ngành y tế Thủ đô tiếp tục giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch của 6 quận, huyện. Ảnh: T.Đức

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 473. Hiện còn 142 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất có 366 bệnh nhân, tiếp đến là xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất có 248 bệnh nhân; thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (76 bệnh nhân); thôn Đống - xã Cao Viên - huyện Thanh Oai (35 bệnh nhân)…

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trường hợp đầu tiên là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội).

Cụ thể, bệnh nhân có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn. Ngày 23.8, bệnh nhân sốt 38,5 độ, đau đầu, đau mỏi cơ khớp. Bệnh nhân điều trị 3 ngày tại bệnh viện tư, hết sốt, đến tối ngày 26.8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân Y 103 điều trị, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Tuy được điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh vẫn tiếp tục nặng lên và bệnh nhân đã tử vong ngày 29.8.

Trường hợp thứ hai là nữ bệnh nhân (45 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, nữ bệnh nhân phát hiện sốt xuất huyết và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, sau 1 ngày chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa điều trị. Trong đêm 29.8, nữ bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Đến sáng ngày 30.8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn, sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Nhưng do bệnh nặng, bệnh nhân đã tử vong trong đêm 30.8.

Theo dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ còn diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Vì vậy, CDC thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng. Thực hiện rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

"Ngành Y tế sẽ tiếp tục giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch của 6 quận, huyện: Thanh Trì, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Đông Anh, Hai Bà Trưng. Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh để tham mưu UBND tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy", CDC Hà Nội nhấn mạnh.

Văn Anh
#