Gần 500 công nhân than khoáng sản được rửa phổi hằng năm

- Thứ Tư, 17/04/2024, 14:54 - Chia sẻ

Hiện tại, mỗi năm Bệnh viện Than - Khoáng sản tiếp nhận từ 450-500 ca bệnh từ các công nhân làm việc trong mỏ than đến điều trị súc rửa phổi.

Theo Bác sĩ CKII, Phó Giám đốc Bệnh viện Than - Khoáng sản Lê Quang Chung, súc rửa phổi là phương pháp đưa một lượng nước lớn vào toàn bộ phổi nhằm loại bỏ các hạt bụi silic lắng đọng, các đại thực bào ăn bụi trong các phế nang.

Thủ thuật này có tác dụng làm chậm tiến triển của bệnh, đồng thời làm sạch lòng phế quản, phế nang, thông thoáng đường thở... cho người đến thực hiện.

"Đối với người bệnh sau khi được súc rửa, tổng thời gian thực hiện quy trình dài 22 ngày với giá của một ca thực hiện là trên 40 triệu. Trong đó, bệnh nhân sẽ được phục hồi chức năng 1 tuần trước khi xuất viện", Bác sĩ Chung thông tin.

Hiện, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận từ 450 - 500 ca bệnh từ các công nhân làm việc trong các đơn vị ngành than – khoáng sản đến điều trị sục rửa phổi.

Bên cạnh đó, những biến chứng do bệnh bụi phổi và một số bệnh lý khác gây nên như: viêm phế quản, giãn phế nang, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, lao phổi... Việc sục rửa phổi giúp cải thiện khả năng thông khí cho người bệnh, dẫn đến nâng cao được chức năng hô hấp cho người bệnh.

Theo quy định của ngành chức năng Việt Nam, bệnh bụi phổi silic là bệnh nghề nghiệp đuợc bảo hiểm. Khi mắc bệnh, người bệnh được giám định bệnh và được hưỏng chế độ đền bù.

Tại Bệnh viện Than – Khoáng sản, kỹ thuật rửa phổi toàn bộ bắt đầu được thực hiện từ tháng 12.2004 và được Bộ Y tế cho phép ứng dụng từ tháng 6.2006 có ban hành Quy trình thực hiện.

Từ khi Bệnh viện Than - Khoáng sản đưa vào kỹ thuật rửa phổi năm 2004, đã có hơn 2.000 lượt công nhân đến bệnh viện để lọc bụi phổi. Việc thực hiện rửa phổi toàn bộ cho bệnh nhân bị Bụi phổi silic tại Bệnh viện Than – Khoáng sản đã góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Lê Tùng - Lê Qúy
#