Đầu tư, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở

Phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở... Đó là những định hướng quan trọng được nêu trong Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. 

Đòi hỏi cao hơn về tư duy, trách nhiệm, hành động

Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), những định hướng ưu tiên về đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng được nêu trong Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, đối với tự thân mạng lưới y tế cơ sở, những định hướng này giúp nâng cao năng lực toàn diện (chuyên môn, quản lý và tài chính) của mạng lưới y tế cơ sở. Đối với cộng đồng dân cư, những định hướng này giúp người dân tối ưu hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe thông qua việc chủ động nâng cao sức khỏe, tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp một cách thuận lợi nhất.

Đồng thời, hỗ trợ việc kiến tạo hệ thống y tế cân bằng hơn giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu; qua đó giúp cải thiện tính công bằng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng như cải thiện tác động tới thực trạng sức khỏe của người dân.

Chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở. Nguồn: ITN
Chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở. Nguồn: ITN

Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu cao hơn về tư duy, trách nhiệm, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đối với y tế cơ sở. PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết, về tư duy, đó là yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khỏe cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Về trách nhiệm, đó là yêu cầu về tính chịu trách nhiệm một cách trực tiếp của tổ chức cũng như cá nhân người đứng đầu đối với hoạt động y tế cơ sở. Về hành động, đòi hỏi cao hơn về chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; trong đó đặc biệt quan trọng là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và nâng cao hiệu quả phối hợp trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.

Tạo động lực mạnh mẽ và bền bỉ

Theo các chuyên gia, có 3 yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành bại của quá trình đổi mới mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là có cam kết chính trị mạnh mẽ; có chương trình đổi mới hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật và nguồn lực tài chính đầy đủ để thực hiện chương trình đổi mới. Chỉ thị số 25 được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ và bền bỉ hơn đối với sự phát triển của mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới, thông qua việc đồng thời bảo đảm cả 3 yếu tố nêu trên.

Chỉ thị số 25 không chỉ dừng ở mức độ cam kết ủng hộ chính trị mà đặt ra quyết tâm chính trị để hiện thực hóa các mục tiêu liên quan tới y tế cơ sở. Vì vậy, đối với công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay.

Mặt khác, phương thức chăm sóc sức khỏe cần chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe (kinh tế, xã hội, môi trường). Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.

Chỉ thị số 25 cũng nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Nhà nước; trách nhiệm bảo đảm nguồn tài chính đầy đủ ở cấp độ quốc gia, cấp độ địa phương để đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở. Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, để đầu tư cho y tế cơ sở, cần chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.

Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024
Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Quang cảnh lễ ký kết
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận

Ngày 12.9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ Trần Quốc Luận cùng đoàn công tác của Bệnh viện đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tham quan học tập các kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ – bỏng, đồng thời ký kết hợp đồng để Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện và chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ