Bộ Y tế: Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19

Tối 13.4, Bộ Y tế thông tin tới báo chí một số nhận định xung quanh tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Số bệnh nhân Covid-19 nặng, nhập viện chưa có sự đột biến

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Hiện nay, tình hình dịch Covid đang được kiểm soát, giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua 105 ngày không ghi nhận trường hợp tử vong.

“Theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vắc xin, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc), tất cả yếu tố đều là màu xanh và không vượt qua cấp độ 1”, GS Lân nhấn mạnh.

Bộ Y tế: Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 -0
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, việc đánh giá tình hình dịch Covid-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất là virus SARS-CoV-2. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy, đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh. Những nơi có số bệnh nhân nặng tăng là do số mắc tăng tương ứng.

Thứ hai là môi trường sống, hành vi của người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay, hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch, kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng với đó, việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác.

“Thời gian qua, hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vắc xin. Vì thế, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm”, GS Lân nói.

Thứ ba là biện pháp đáp ứng. GS Lân cho biết, vũ khí hiệu quả của Việt Nam là đã bao phủ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 rất cao. Với liều cơ bản, nước ta đã bao phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên; mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%.

Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên, ở một số nơi, tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trên thực tế hiện nay tại nước ta, số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự giao mùa. Theo thống kê, số mắc tại khu vực này đã tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó.

Ngoài ra, thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của virus. Ý thức của người dân, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh cũng có lúc, có nơi chưa đảm bảo.

“Thời gian qua, tại Lào Cai, Hà Nội có xảy ra chùm ca mắc, tuy nhiên, các cấp chỉ đạo tiến hành chủ động vào cuộc nhanh chóng và kiểm soát được. Như Lào Cai sau 5 ngày không còn sự lan rộng ra nữa. Như vậy, chúng ta đánh giá chung tình hình thì số mắc trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, số nặng, nhập viện chưa có sự đột biến. Do đó, tôi nhấn mạnh lại, chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch”, GS Lân khằng định.

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch

Nói về các giải pháp Bộ Y tế đã triển khai để phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, GS.TS Phan Trọng Lân thông tin, ngày 12.4, Bộ Y tế đã gửi công văn đến Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều biện pháp.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh rà soát cấp độ dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch. Đồng thời, công bố thông tin chính xác, minh bạch để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã/phường, khi phát hiện ca bệnh, chùm ca bệnh thì nhanh chóng xử lý, khoanh vùng; không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với người dân, cộng đồng xã hội, GS Lân khuyến cáo cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

“Cùng với thực hiện đầy đủ khuyến cáo 2K + vắc xin và các biện pháp khác, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19”, GS Lân nói.

Bộ Y tế: Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 -0
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao

Về kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ, theo đánh giá của các chuyên gia, đặc tính hiệu quả của vắc xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong lại hiệu quả.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch do vắc xin hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.

Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.

GS Lân đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định và đề xuất gửi về Bộ Y tế làm cơ sở phân bổ, cân đối đầy đủ vắc xin và có kế hoạch tiêm đúng thời điểm, đạt hiệu quả phòng dịch tốt nhất.

“Việt Nam hiện đang tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế vẫn đảm bảo việc huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch và đảm bảo thống nhất đáp ứng với các quốc gia trên thế giới”, GS Lân thông tin.

Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh
Sức khỏe

VNVC chủ lực tiêm nhiều vắc xin sởi nhất trong ngày đầu tham gia chiến dịch của TP. Hồ Chí Minh

Với lợi thế dây chuyền khám và tiêm hiện đại, chuyên nghiệp, đồng bộ trên cả nước và tại 39 trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, cùng gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển tiêm hơn 1.200 mũi vắc xin các loại trong ngày đầu chiến dịch tăng cường, trong đó có gần 200 mũi vắc xin sởi miễn phí.

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ
Sức khỏe

FPT Long Châu “thần tốc” điều động 10 tấn thuốc, phối hợp các đơn vị hỗ trợ người dân vùng bão lũ

Ngay sau cơn bão số 3 - Yagi vừa qua, FPT Long Châu đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam, các cơ quan quản lý y tế địa phương và các cơ quan báo chí để thực hiện hỗ trợ ứng cứu sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân vùng lũ.