Bỏ thuốc lá trước 40 tuổi làm giảm 90% nguy cơ chết sớm

- Chủ Nhật, 30/07/2023, 08:52 - Chia sẻ

Theo Bệnh viện K, những người bỏ thuốc trước tuổi 40 làm giảm 90% nguy cơ chết sớm do những bệnh liên quan đến hút thuốc. Nếu họ bỏ thuốc ở tuổi 45-54 thì có thể giảm 2/3 nguy cơ chết sớm.

Theo nghiên cứu, trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất khác nhau. Trong đó, ít nhất 250 loại hóa chất độc hại, bao gồm: hydrogen cyanide, carbon monoxide, và ammonia. Trong số 250 loại hóa chất độc hại, có ít nhất 69 loại có thể gây ung thư, bao gồm Aromatic amines, Acetaldehyde, Arsenic, Benzene, Ethylene oxide, Formaldehyde …

Thuốc lá gây ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ...

Theo Bệnh viện K, hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc gây ra khoảng 480.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm ở Hoa Kỳ. Trong số đó, khoảng 36% do ung thư, 39% do bệnh tim mạch và đột quỵ và 24% do các bệnh phổi. Tỷ lệ tử vong của những người hút thuốc cao hơn gấp 3 lần so với những người không bao giờ hút thuốc.

Khói thuốc gây hại cho gần như tất cả các cơ quan và hệ thống trong cơ thể và giảm sức khỏe tổng thể của con người. Hút thuốc gây ra các loại ung thư như: ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư họng, ung thư miệng, ung thư thanh quản, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng và bệnh bạch cầu cấp.

Hút thuốc cũng gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái đường, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen ở người lớn. Người hút thuốc cũng có nguy cơ bị lao và các nhiễm trùng khác..

Tổ chức Nghiên cứu ung thư Quốc tế xếp hút thuốc thụ động là một yếu tố gây ung thư. Những người không hút thuốc mà sống với người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi tăng 20 – 30%. Nguy cơ bệnh tim mạch tăng từ 25 – 30%. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng 20 – 30%.

Trẻ con tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ bị hội chứng ngừng thở, nhiễm trùng tai, cảm lạnh, và viêm phế quản. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen, làm chậm phát triển phổi ở trẻ em, có thể gây ho, khò khè và khó thở.

Bỏ thuốc lá có thể kéo dài tuổi thọ của con người trong bao lâu? -0
Thành phần của khói thuốc lá

Giảm 90% nguy cơ chết sớm

Theo bệnh viện K, nếu bỏ thuốc sau vài phút, nhịp tim và huyết áp (thường cao bất thường trong thời gian hút thuốc) sẽ bắt đầu quay trở lại bình thường.  Sau vài giờ, nồng độ carbon monoxid (CO) trong máu bắt đầu giảm, giúp cải thiện khả năng mang ô xy.

 Sau vài tuần, tuần hoàn được cải thiện, giảm đờm dãi, giảm ho và khò khè.

Sau vài năm, những người bỏ thuốc sẽ giảm nguy cơ ung thư, các bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác so với việc họ tiếp tục hút thuốc. Đồng thời, giảm các bệnh tim mạch, COPD và các bệnh mạn tính khác so với việc họ tiếp tục hút thuốc sau một thời gian dài.

Theo Bệnh viện K, những người bỏ thuốc trước tuổi 40 làm giảm 90% nguy cơ chết sớm do những bệnh liên quan đến hút thuốc. Nếu họ bỏ thuốc ở tuổi 45-54 thì có thể giảm 2/3 nguy cơ chết sớm.

Bất kỳ độ tuổi nào, những người bỏ thuốc sẽ cải thiện thời gian sống thêm mong đợi so với những người hút thuốc. So với những người tiếp tục hút thuốc, những người bỏ thuốc giữa tuổi 25-34 sống thọ hơn 10 năm. Nếu họ bỏ thuốc giữa tuổi 35-44, họ sẽ sống thọ hơn 9 năm.

Nếu họ bỏ thuốc giữa tuổi 45-54, họ sẽ sống thọ hơn 6 năm. Và nếu họ người bỏ thuốc giữa tuổi 55-64, họ sẽ sống thọ hơn 5 năm so với những người tiếp tục hút thuốc.

Bệnh nhân ung thư có cần bỏ thuốc?

Theo Bệnh viện K, bỏ thuốc là một yếu tố giúp tiên lượng của bệnh nhân ung thư tốt hơn. Với một số ung thư, bỏ thuốc tại thời điểm chẩn đoán ung thư có thể làm giảm nguy cơ tử vong từ 30 – 40%.

Khi thực hiện các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa chất và các phương pháp điều trị khác, bỏ thuốc có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi của cơ thể và khả năng đáp ứng điều trị. Hơn nữa, bỏ thuốc có thể làm giảm nguy cơ ung thư tái phát, hoặc phát triển ung thư thứ hai.

Vì vậy, nếu bạn chưa hút thuốc lá, hãy chủ động tránh sử dụng. Còn nếu bạn đã hút thuốc, hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt vì sức khỏe của chính mình, gia đình và những người xung quanh.

Phương Anh
#