Bé 5 tuổi tắc ruột do bó giun đũa khổng lồ

- Thứ Bảy, 13/04/2024, 19:10 - Chia sẻ

Sau khi siêu âm, chụp ổ bụng và tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp cứu để gắp giun ra.

Bác sĩ CKII, Triệu Văn Bộ, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, khoa vừa phẫu thuật lấy búi giun khổng lồ trong ruột một bệnh nhi 5 tuổi.

Bệnh nhi tên V.V.T., giới tính nam, 5 tuổi, cư trú tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên.

Cháu bé được gia đình đưa vào viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn. Sau khi siêu âm, chụp ổ bụng và tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp cứu để gắp giun ra. Ngay lập tức, bệnh nhi được gây mê nội khí quản để tiến hành phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành kiểm tra ruột non thấy giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột. Ca mổ diễn ra liên tục trong khoảng 2 giờ, đã gắp được hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bệnh nhi.

Sau khi gắp toàn bộ búi giun ra ngoài, bệnh nhi được rửa ổ bụng, khâu phục hồi ổ bụng.

Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi hồi sức tích cực, dùng kháng sinh và bù dịch, theo dõi và chăm sóc tại khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên. Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo và dần ổn định.

Theo BSCKII Triệu Văn Bộ, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên, tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Tắc ruột do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ là tắc ruột do giun đũa.

Khi trẻ bị tắc ruột do giun sẽ có các triệu chứng như: đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun… Tắc ruột kéo dài có thể gây lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu, nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh, người dân cần đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn uống.

Bên cạnh đó, thực hiện ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ. Không để móng tay dài dễ dính, bám đất cát và lây nhiễm trứng giun. Cha mẹ nên tiến hành tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để đảm bảo sức khỏe cho các trẻ.

Nguyễn Liên
#