Bác sĩ tư vấn: Thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai, mẹ bầu cần làm gì?

- Thứ Năm, 17/08/2023, 08:33 - Chia sẻ

Việc nhận kết quả siêu âm thai nhi trong bụng có trọng lượng nhỏ hơn so với số tuần tuổi thai thường khiến các mẹ bầu lo lắng.

Đa số bà mẹ rơi vào tình huống này thường cố gắng ăn uống, bổ sung thật nhiều chất dinh dưỡng với hy vọng thai nhi tăng trọng lượng, tuy nhiên kết quả không được như mong đợi, khiến thai phụ càng rơi vào căng thẳng.

Vậy nguyên nhân của tình trạng thai nhi nhỏ so với tuổi thai là gì? Mẹ bầu cần làm gì khi nhận chẩn đoán thai nhi nhỏ?

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai

- Thưa TS.BS Phan Chí Thành. Bác sĩ có thể cho biết có tiêu chuẩn chung cho trọng lượng thai nhi hay không? Sự tăng trưởng của thai nhi dựa trên các chỉ số nào?

TS.BS Phan Chí Thành: Theo các nghiên cứu trên thế giới dựa trên việc theo dõi, đánh giá quá trình mang thai của hàng trăm nghìn thai phụ, người ta đã lập ra một biểu đồ rất quan trọng là biểu đồ tăng trưởng của thai nhi, tính theo tỷ lệ phần trăm. Theo đó, thai nhi nằm trong khoảng từ 10% - 90%, hay chúng ta hiểu đơn giản là trong 100 bé, con đứng từ thứ 10 đến 90 là bình thường. Nếu như thai tăng trưởng lớn hơn, thuộc nhóm trên 90% thì có nguy cơ thai to, còn dưới 10% thì có thể được coi là nhỏ hơn so với tuổi thai.

Các công thức, phần mềm tính tuổi thai và cân nặng của thai nhi được ước lượng trên 3 chỉ số chính, gồm kích thước đầu, kích thước bụng và xương đùi của thai nhi. Từ đây, người ta ước lượng ra cân nặng của thai nhi và chia ra những thể thai nhi kích thước nhỏ. Ví dụ, thai nhi kích thước nhỏ toàn diện có nghĩa là cả kích thước đầu, bụng và đùi đều nhỏ. Một số thai nhi chỉ có vòng bụng kích thước rất nhỏ, hoặc đùi ngắn, hoặc kích thước đầu nhỏ.

Do đó, thai nhi cùng cân nặng nhưng chưa chắc tiên lượng đã giống nhau. Nếu thai nhi có vòng bụng rất nhỏ, đầu và xương đùi bình thường thì cách theo dõi và tiên lượng khác hoàn toàn với thai nhi bụng kích thước bình thường nhưng xương đùi ngắn, hoặc đầu nhỏ, dù có số cân nặng bằng nhau. Các sản phụ nếu chỉ đơn thuần đem cân nặng của thai nhi đi hỏi bác sĩ thì sẽ rất khó để đưa ra tiên lượng cũng như hướng theo dõi cụ thể.

Thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai, mẹ bầu cần làm gì? -0
TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh: Trần Hiệp)

- Vậy những nguyên nhân nào có thể dẫn đến hiện tượng thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, thưa bác sĩ?

TS.BS Phan Chí Thành: Khi siêu âm và thấy nghi ngờ cân nặng của thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, điều đầu tiên cần làm là xem lại ngày dự kiến sinh. Rất nhiều trường hợp bà mẹ nhớ nhầm kỳ kinh, nhớ nhầm ngày dự kiến sinh từ một, hai tuần, thậm chí tới cả tháng. Điều này dẫn đến việc thai nhi kích thước hoàn toàn bình thường so với tuổi thai, nhưng vì mẹ nhầm lẫn về thời gian nên hiểu lầm là thai nhỏ. Bác sĩ sẽ rất bối rối trong trường hợp đó.

Do đó, điều đầu tiên là các bà mẹ phải nhớ rõ ngày dự kiến sinh, nhớ rõ tuổi thai của con. Chúng tôi từng gặp rất nhiều bà mẹ mỗi lần đi siêu âm lại nói một thời gian dự kiến sinh khác nhau, rất bối rối cho việc bác sĩ xử trí.

Tuổi thai sẽ quyết định cân nặng của thai nhi. Ví dụ, bé nặng 1,5kg ở tuần thai 28 tiên lượng sẽ khác tuần thai 30 hay 32. Các bác sĩ chỉ có thể tính được cân nặng thai nhi có phù hợp với biểu đồ tăng trưởng hay không dựa vào phần mềm. Cụ thể, trên máy siêu âm, khi bác sĩ nhập tuổi thai, dự kiến sinh, siêu âm ra cân nặng của thai nhi thì trên máy sẽ hiển thị số đo của thai nhi nằm ở khoảng tỷ lệ nào của biểu đồ tăng trưởng bình thường.

Nếu thai nhi có nguy cơ to, người mẹ khi ấy phải kiểm soát chế độ ăn uống. Đừng để thai quá to sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng đẻ thường hoặc tăng nguy cơ tiểu đường. Ngược lại, khi siêu âm thấy thai nằm ở tỷ lệ dưới 10%, đặc biệt là dưới 3% hoặc có những thai nhi cân nặng chỉ ở nhóm dưới 1% là dấu hiệu cực kỳ báo động, chúng ta cần theo dõi sát.

Vậy định nghĩa thai nhỏ hơn so với tuổi thai không phải là thai nhi nặng bao nhiêu cân, mà khi siêu âm nếu con bạn nằm ở nhóm dưới 10% so với quần thể các con bình thường thì bắt đầu được xếp vào nguy cơ thai nhỏ, bác sĩ sẽ làm các thăm dò để theo dõi sát hơn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, đối với thai nhi nhẹ cân, nguy cơ tai biến cho cả người mẹ và con tăng từ 10 - 15 lần so với thai nhi có cân nặng bình thường.

Khi đứng trước một trường hợp thai nhỏ, các bác sĩ rất băn khoăn rằng, thai nhi có những bất thường, trục trặc về bộ gen, nhiễm sắc thể, về mặt di truyền hay không. Rất may mắn ngày nay chúng ta đã có những công nghệ xét nghiệm chẩn đoán trước sinh rất tốt. Ví dụ, chọc ối làm chẩn đoán nhiễm sắc thể của thai nhi, để chắc chắn rằng thai nhi không có bất thường về mặt nhiễm sắc thể, sau đó bác sĩ mới thăm dò các bước tiếp theo.

Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ, bất thường về mặt di truyền, nhiễm sắc thể, gen, bác sĩ sẽ xét đến một yếu tố rất lớn là dinh dưỡng của thai nhi. Trường hợp dòng máu từ mẹ sang con gặp trục trặc, thai nhi không được cung cấp đủ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố rất thường gặp hiện nay dẫn đến hiện tượng thai nhi nhỏ so với tuổi thai. Có những bà mẹ ăn rất nhiều chất, nhưng con vẫn không đủ chất dinh dưỡng.

Tôi khuyến cáo rằng khi đi siêu âm, thai phụ cần cố gắng theo dõi một thai kỳ ổn định từ đầu đến cuối ở cùng một cơ sở y tế để bác sĩ sẽ theo dõi dữ liệu. Mỗi lần siêu âm, cân nặng thai nhi sẽ hiện lên biểu đồ tăng trưởng, từ đó bác sĩ sẽ có thể ngay lập tức có thái độ xử trí, tránh trường hợp nhầm lẫn tuổi thai.

Mục tiêu khi phát hiện thai nhỏ không phải là cố gắng tăng cân lại cho thai nhi

- Khi nhận kết quả siêu âm thai nhi có trọng lượng nhỏ hơn so với số tuổi thai, các mẹ bầu thường rất lo lắng. Thông thường, các bác sĩ sẽ có những can thiệp nào để giúp tăng trọng lượng của bé?

TS.BS Phan Chí Thành: Đây là câu hỏi phổ biến nhất chúng tôi gặp phải. Khi biết thai nhi nhỏ so với tuổi thai, các mẹ bầu cũng như gia đình thường rất nóng lòng tìm cách để thai nhi tăng trọng lượng. Nhưng bác sĩ sản khoa sẽ không tính đến điều đó đầu tiên.

Thay vào đó, bác sĩ sẽ xem thai nhi có khoẻ hay không, có bệnh gì gây ra tình trạng thai nhỏ hay không, có ảnh hưởng đến tiên lượng phát triển sau này của con hay không, từ đó có thái độ xử trí. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phải tư vấn thai phụ chấm dứt thai kỳ vì thai nhi bất thường.

Khi phát hiện ra thai nhi nhỏ thường đã ở thời điểm muộn. Bởi việc trao đổi chất từ mẹ sang con được quyết định bởi yếu tố bánh rau, mà bánh rau đã được hình thành suốt từ quý 1 của thai kỳ cho đến quý 2 và quý 3. Trong quý 3 của thai kỳ, bản chất hiện tượng thai nhỏ là do bánh rau (được hình thành suốt từ quý 1, quý 2) đã không cung cấp đủ dinh dưỡng từ mẹ sang con. Do đó, khi phát hiện ra thai nhỏ, đa số bà mẹ đều cố gắng ăn rất nhiều, nhưng kết quả lại là con không tăng cân và con vẫn rất nhỏ so với tuổi thai.

Thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai, mẹ bầu cần làm gì? -0
TS.BS Phan Chí Thành thăm khám cho một thai phụ (Ảnh: Quốc Việt)

Tôi nhấn mạnh rằng, mục tiêu của chúng ta khi phát hiện thai nhỏ không phải là cố gắng tăng cân lại cho thai nhi mà cần hiểu rằng, đây là trường hợp thai nhi nguy cơ cao, tăng nguy cơ suy thai, tăng nguy cơ thai nhi tử vong, mất tim thai trong bụng mẹ và tăng nguy cơ khi sinh ra, trẻ sẽ gặp những bất thường về mặt suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Như vậy, khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ, việc khám thai cực kỳ quan trọng. Các bà mẹ có thai nhi nhỏ so với tuổi thai cần khám ở những cơ sở y tế giàu kinh nghiệm. Việc quan trọng nhất của bác sĩ ở trường hợp này là theo dõi và phát hiện nguy cơ suy thai trong bụng mẹ để can thiệp, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, những sản phụ có thai nhỏ phải quyết định sinh con ở những cơ sở y tế lớn, không chỉ giỏi về sản khoa mà cần giỏi cả về chăm sóc sơ sinh. Bác sĩ sản khoa có thể rất giỏi trong việc giúp các bạn chuyển dạ đẻ, mổ đẻ cho các bạn. Nhưng sau khi mổ đẻ xong, toàn bộ công việc là của bác sĩ sơ sinh.

Chúng ta chỉ có 5-10 phút để hồi sức sơ sinh. Nếu sản phụ sinh con ở một cơ sở y tế tuyến dưới, không đủ cơ sở chăm sóc hồi sức sơ sinh thì cực kỳ khó để chỉ 5-10 phút có thể chuyển bé lên cơ sở y tế đủ mạnh. Do đó, việc chọn lựa cơ sở y tế để sinh con là yếu tố sống còn cho những trường hợp thai nhi nhỏ.

Lý do nhiều bà bầu tăng cân nhưng con không tăng trọng lượng

- Bác sĩ có lời khuyên nào với chị em phụ nữ chuẩn bị mang thai? Khi nào các bà bầu cần đi khám để phát hiện kịp thời vấn đề thai nhi nhỏ nói trên?

TS.BS Phan Chí Thành: Đối với các bà mẹ có tiền sử sinh con nhỏ hơn so với tuổi thai, việc khám thai ở lần mang thai sau đó là cực kỳ quan trọng, bởi nguy cơ thai nhỏ có thể lặp lại. Các bác sĩ sẽ có những biện pháp dự phòng cho thai nhỏ hơn tuổi thai, dự phòng phát sinh bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật trong quá trình mang thai,… Trước khi mang thai, phụ nữ cần chú ý duy trì việc tập thể dục, có chế độ ăn hợp lý, người mẹ khỏe mạnh thì con mới khoẻ mạnh.

Hiện nay, nhiều thai phụ gặp tình trạng thừa cân. Khi ăn quá nhiều, thai phụ sẽ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá mỡ. Nếu mỡ máu của người mẹ quá nhiều, bản thân dòng máu chạy trong cơ thể mẹ đã chậm, dòng máu từ mẹ sang con càng chậm hơn. Đương nhiên, thai nhi sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và chậm phát triển trong tử cung. Đây chính là lý do nhiều bà bầu tăng rất nhiều cân mà gần như con không tăng trọng lượng.

Bản thân chế độ ăn của chúng ta đang sai rất nhiều. Các mẹ bầu phải ưu tiên ăn thật nhiều rau củ quả, trong khi đó nhiều người chỉ ăn bún phở, cháo, xôi, bánh mì,… gần như toàn bộ là tinh bột mà không cung cấp đủ chất rau, chất xơ. Đây cũng là thực trạng làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật và nguy cơ thai nhỏ so với tuổi thai.

Cũng cần phải nói đến việc một số mẹ bầu vì sợ tăng cân quá nhiều mà hạn chế ăn uống, điều này cũng không nên. Các chuyên gia đã khuyến cáo, tùy vào thể trạng mà quyết định số cân nặng của người mẹ trong cả thai kỳ, từ đó đưa ra chế độ ăn phù hợp.

Ví dụ, người mẹ đã nặng cân sẵn, cả thai kỳ chỉ nên tăng từ 6-8 kg. Nếu người mẹ có thể trạng cân nặng bình thường, có thể tăng từ 10-12kg cả thai kỳ. Nếu người mẹ có tình trạng suy dinh dưỡng, nhẹ cân trước quá trình mang thai thì cả thai kỳ có thể tăng từ 12-14kg.

- Xin cảm ơn TS.TS Phan Chí Thành đã chia sẻ!

Nguyễn Liên
#