
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được QH thông qua ngày 14.6.2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2006. Qua 10 năm thực hiện, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã tác động nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế. Việt Nam đã gia nhập WTO được 8 năm và ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo cam kết thuế quan. Do đó, một số quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không còn phù hợp. Một số quy định của Luật không còn phù hợp với một số nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia… Gần đây một số luật đã được ban hành như Luật Đầu tư, Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Quản lý thuế… và thực tiễn xuất, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây, vì vậy việc sửa đổi luật để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn là điều hết sức cần thiết.
Mục đích của sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu lần này nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Qua đó, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và cải cách hệ thống thuế, hải quan, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế.
Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) được lấy ý kiến lần này gồm có 5 chương, 22 điều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thời hạn nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu và thuế phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về nội dung liên quan đến 3 loại thuế phòng vệ thương mại, về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án ODA, bổ sung quy định miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu vùng nguyên liệu...