Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11)

Sứ mệnh quốc gia và trách nhiệm xã hội

- Thứ Hai, 16/11/2020, 21:33 - Chia sẻ
Trong thư gửi các thầy giáo, cô giáo tại ĐHQG Hà Nội nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) năm 2020, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc trồng người xưa nay vốn khó, ngày nay có phần khó hơn xưa, công việc trồng người ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) càng khó nữa. Song ông cũng cho rằng, “nghề nhà giáo là vinh quang, làm nhà giáo ở ĐHQG Hà Nội theo đuổi mục tiêu lớn, trách nhiệm quốc gia, xã hội cao, đó lại càng vinh quang”.

Theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, nghề nhà giáo tự nó mang cái khó, bởi đối tượng nó tương tác, dẫn dắt và tạo dựng chính là con người. Cái khó của nghề giáo thời nay nằm ở chỗ yêu cầu công việc ngày càng cao, mục tiêu lớn, áp lực ngày càng nhiều, đối tượng người học cũng khác xưa, tác động từ các nhân tố ngoài nhà trường tới học sinh ngày càng lớn.

ĐHQG Hà Nội xác định việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hướng đi trọng tâm, trọng điểm, là sứ mệnh của mình. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, đội ngũ nhà giáo, cùng lực lượng hỗ trợ phục vụ cần có trình độ nghề cao, tinh thần trách nhiệm cao, và sự nhiệt huyết phù hợp với môi trường giáo dưỡng nhân tài; có đủ cả tài đức, đủ tầm để dẫn dắt tạo dựng cho nhân tài, đủ sự xuất sắc để có thể đào tạo ra những con người xuất sắc hơn cho hiện tại và tương lai.

Nhà giáo của ĐHQG Hà Nội là nhà giáo của môi trường đào tạo tài năng, nhà giáo của một trường học đẳng cấp quốc tế, một môi trường học thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo và hướng tới sự phát triển không ngừng nghỉ. “Trong cái khó chung của nghề, các nhà giáo của ĐHQG Hà Nội còn có những thách thức và yêu cầu gắt gao hơn hẳn. Theo đó, ĐHQG Hà Nội không chấp nhận những người trung trung bình bình, hay tàm tạm để làm công việc cốt cho xong, không có chỗ cho sự bảo thủ, cho sự lãnh cảm, cho sự vô trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhà giáo là một nghề, một cái nghiệp và nghiệp làm nhà giáo ở ĐHQG Hà Nội đáng là một nghiệp lớn để từng người, từng người dấn thân, phấn đấu” - PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

“Nhà giáo là một nghề, một cái nghiệp và nghiệp làm nhà giáo ở ĐHQG Hà Nội đáng là một nghiệp lớn để từng người, từng người dấn thân, phấn đấu” - PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn

Đòi hỏi rất cao, thách thức rất nhiều, nhưng đó cũng chính là cơ hội để các nhà giáo trưởng thành nhanh chóng, mạnh mẽ. Một đại học định hướng đào tạo nhân tài và nhân lực chất lượng cao không phải làm điều gì quá khác thường. Điều có tính quyết định là những người thầy ở đó phải giỏi, thậm chí rất giỏi về chuyên môn và cái tâm trong của bậc làm thầy. Người tài giỏi thực sự thường có năng lực tự học tự vươn lên rất mạnh mẽ. Cái họ cần là môi trường, sự trân trọng, vun đắp tạo điều kiện, sự khích lệ cùng sự chỉ dẫn và định hướng. Trong môi trường đào tạo nhân tài, mỗi một người, mỗi một khâu bình thường nhất làm thật tốt, làm thật chuyên nghiệp là chúng ta đã có thể hỗ trợ cho những mầm tài năng phát triển.

Gặp mặt cựu giáo chức ĐHQG Hà Nội nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020

Nhà giáo của ĐHQG Hà Nội hướng tới đào tạo người tài, nghiên cứu tạo ra những tri thức mới, theo đuổi những phát minh sáng chế, khám phá, phát kiến ra điều chưa ai thấy, chỉ ra những điều chưa ai nghĩ... Điều đó chắc chắn mang lại nhiều niềm vui lớn. Vừa có niềm vui thường có của nghề giáo, vừa có niềm vui của sự sáng tạo khoa học, lại có niềm vui của việc thực hiện sứ mệnh quốc gia và trách nhiệm xã hội. Tất cả hợp thành niềm vui rất lớn. Nhà giáo của ĐHQG Hà Nội, với tư cách là lực lượng trí thức của đất nước, cần “lo trước vui sau thiên hạ” (lời cổ nhân). Niềm vui có được chắc chắn lớn lao hơn vì nó cộng hưởng từ niềm vui của xã hội và của lớp lớp học trò, nó sâu xa hơn bởi chiều thẳm của trí tuệ và khoa học.

“Làm nhà giáo ở ĐHQG Hà Nội thật khó, nhưng thật vinh quang và đầy niềm vui. Mong mỗi chúng ta ngày ngày làm tốt công việc nhà giáo của mình trong những yêu cầu và trách nhiệm cao nhất. Mong mỗi ngày chúng ta tìm thấy niềm vui trong sự sáng tạo và dẫn dắt” - PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn gửi gắm.

Đỗ Vũ