Hơn một năm qua, trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, Quốc hội bộn bề với những nhiệm vụ cấp bách, nhiều nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ về lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia nhưng hoạt động giám sát vẫn liên tục được đổi mới, tạo nên những dấu ấn đậm nét.
Nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã được cử tri đánh giá cao như: việc Quốc hội chỉ ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, không quyết định ngay kế hoạch giám sát để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát; trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Đoàn giám sát đề xuất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn giám sát trực tiếp với những cơ quan, tổ chức, địa phương nào. Hay việc tổ chức các tổ công tác đến làm việc, giám sát và có kết luận sơ bộ trước khi Đoàn giám sát xuống làm việc; sử dụng tối đa, hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát...
Với những đổi mới như vậy, không chờ đến khi kết thúc mà ngay trong quá trình triển khai, giám sát của Quốc hội đã tác động mạnh mẽ, khiến các cơ quan, tổ chức và địa phương phải chuyển động. Đơn cử như chuyên đề giám sát về quy hoạch được các chuyên gia đánh giá là “hết sức đặc biệt, bởi có lẽ đây là lần đầu tiên Quốc hội triển khai một chuyên đề giám sát vừa khó, vừa phức tạp về chuyên môn lại vừa mang tính chất đồng hành, cấp thiết nhằm tháo gỡ ngay vướng mắc cho công tác quy hoạch khi mà hầu hết các quy hoạch phải lập theo Luật Quy hoạch đều đang được triển khai thực hiện”. Điều này, như đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm “đã nâng tầm hoạt động giám sát của Quốc hội, không phải chờ cơ quan hành pháp đề xuất mà chính Quốc hội đã nhận thấy phải chủ động giám sát tối cao để tháo gỡ ngay những vướng mắc trong thực tiễn. Đó cũng là sự năng động, đổi mới, rất sáng tạo của Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát”.
Có những hoạt động giám sát được cử tri và Nhân dân đánh giá cao, tưởng chừng khó có thể đổi mới thêm được nữa nhưng vẫn tiếp tục có những đổi mới rất hiệu quả như chất vấn và trả lời chất vấn. Những đổi mới trong lựa chọn vấn đề, nội dung chất vấn, và cả những điều chỉnh tưởng như chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật của Chủ tọa điều hành đối với cách thức đặt câu hỏi, tranh luận, giải trình, nhưng đã làm cho phiên chất vấn trở nên sôi động, tính đối thoại, tranh luận tăng lên, các nội dung chất vấn được soi chiếu ở nhiều chiều cạnh, từ đó “bật” ra vấn đề mấu chốt nhất: trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp khắc phục thế nào. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc lựa chọn vấn đề và đổi mới phương pháp chất vấn đã “góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, bảo đảm các nội dung chất vấn hướng đúng trọng tâm, dần trở thành văn hóa nghị trường” - nhưng, trong nhìn nhận, đánh giá của nhiều cử tri và chuyên gia thì các phiên chất vấn gần đây của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt đến độ chuẩn mực của một phiên chất vấn tại nghị viện.
Không chỉ nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát đã đi vào nền nếp từ các nhiệm kỳ trước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV còn đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả giám sát trong các lĩnh vực còn hạn chế trước đây như: giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát công tác dân nguyện... Trong đó, để bảo đảm tính thống nhất, chuẩn hóa và chuyên nghiệp, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; ban hành Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Và cũng lần đầu tiên, báo cáo công tác dân nguyện đã chính thức trở thành nội dung nghị sự định kỳ tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay vì chủ yếu tập trung tại hai Kỳ họp trong năm như trước đây.
Không khó để kiểm đếm, gọi thành tên những đổi mới trong từng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nhưng có một điều chắc chắn là khó có thể đo đếm được những trăn trở của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để có được những đổi mới đó, bởi như chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “Quốc hội các nhiệm kỳ trước đã rất đổi mới rồi, Quốc hội Khóa XV tiến thêm được một bước, thậm chí nửa bước nữa cũng là vô cùng khó khăn”.
Dù thế, hơn một năm qua, Quốc hội đã có những bước tiến chắc chắn và hiệu quả không chỉ trong hoạt động giám sát mà còn trên tất cả các phương diện hoạt động khác. Tất nhiên, để hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát tối cao của Quốc hội thực sự trở thành một phương thức kiểm soát quyền lực có tính chất nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta thì vẫn còn những vấn đề lớn cả về nhận thức, lý luận và thực tiễn đã được Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ trong bài viết: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần kiểm soát quyền lực và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (xem Báo Đại biểu Nhân dân số hôm nay - PV). Trong tiến trình đó, như Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội “phải luôn tự đổi mới chính bản thân mình, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri".
Ngạn ngữ có câu "không có áp lực, không có kim cương". Tự đặt ra áp lực và nỗ lực không ngừng để biến những áp lực đó thành "kim cương" - đó là con đường đầy khó khăn nhưng cũng là con đường tất yếu mà một Quốc hội luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết chọn đi và sẽ quyết liệt đi đến cùng!