Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn. Số dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô hơn 57.600 căn; số dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô hơn 110.200 căn; số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô hơn 412.200 căn.
Phát triển nhà ở xã hội thời gian qua luôn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, khó tiếp cận nguồn vốn, thủ tục phức tạp, quy định xét duyệt đối tượng được mua nhà quá chặt chẽ, biên độ lợi nhuận bị khống chế. Để giải quyết những khó khăn vướng mắc này, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Mới đây nhất là Công điện số 130 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Đối với các dự án đã khởi công xây dựng, cần thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng. Với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Với những giải pháp này, cùng với việc một số quy định mới trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng rất lớn nhà ở xã hội sẽ phát triển không chỉ riêng trong năm 2025 mà xa hơn là có thể sớm hoàn thành Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Những quy định mới này về cơ bản sẽ tháo gỡ được hầu hết các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay đó là chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất. Được miễn tiền thuê đất và không phải thực hiện các thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, một số trường hợp được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại. Các tỉnh, thành phố quyết định việc chủ đầu tư phải bố trí quỹ đất đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở thương mại phát triển hoặc ở khu vực khác hoặc trả tiền tương đương.
Đặc biệt, ngoài khoản lợi nhuận tối đa 10%, một số trường hợp được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
Phát triển nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bởi vậy, khi các quy định mới đã có, điều quan trọng là phải được triển khai với tâm thế mới để đạt hiệu quả cao nhất.