Nghe nhạc có thể cải thiện chứng rối loạn lo âu

- Chủ Nhật, 09/10/2022, 07:50 - Chia sẻ

Theo NHS, cứ tám người trong nhóm độ tuổi từ 5 đến 19, thì có một người phải đối mặt với các chứng bệnh về sức khỏe tâm thần. Trong đó, các chứng bệnh liên quan tới rối loạn lo âu chiếm một số lượng đáng kể. 

Tất nhiên, mức độ lo lắng hay sự lo âu có thể là trạng thái bình thường của những người trẻ tuổi - đặc biệt là khi có những sự tác động về môi trường như chuyển trường hay áp lực thi cử. Nhưng đối với một số người, lo lắng có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

Nghe nhạc có thể cải thiện chứng rối loạn lo âu -0
Âm nhạc là hình thức trị liệu đặc biệt, có thể cá nhân hóa đối với từng bệnh nhân

Một phương pháp hỗ trợ hiệu quả cho chứng rối loạn lo âu là âm nhạc, liệu pháp này từ lâu đã trở thành công cụ chính mà các nhà trị liệu sử dụng để kết nối và làm việc với bệnh nhân. Phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả khi điều trị cho trẻ em và thanh niên sống chung với chứng rối loạn lo âu.

Trên thực tế, rất nhiều người trẻ thích nghe nhạc, và những lựa chọn về thể loại mà họ thường nghe có thể có mối liên kết mật thiết với ý thức bản thân và bản sắc cá nhân. Trong những lúc căng thẳng hay lo lắng, nghiên cứu chỉ ra rằng những người trẻ tuổi có khả năng tự cảm nhận được thể loại âm nhạc mà họ cần nghe để chữa lành tâm hồn.

Đây cũng là một hình thức trị liệu đặc biệt, có thể cá nhân hóa đối với từng bệnh nhân. Nghiên cứu cho thấy rằng cảm xúc trong âm nhạc của giới trẻ có thể thay đổi theo từng tình huống cụ thể đối với các bài hát và thể loại khác nhau.

Ví dụ, ca khúc “Dancing with Our Hands Tied” của ca sĩ Taylor Swift, có thể được nghe lần đầu tiên như một bản tình ca, đồng thời cũng có thể được cảm nhận là một bài hát về sự chia tay, ... Điều này thể hiện các tương tác cảm xúc phức tạp và sự thích ứng với âm nhạc khác nhau đối với từng cá nhân, tình huống.

Sự chữa lành

Trong một buổi trị liệu bằng âm nhạc, nhà tâm lý học có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ để tiếp cận, chẳng hạn như trống, nhạc cụ gõ nhỏ và bàn phím, cũng như các ứng dụng để ghép các nhịp và vòng lặp lại với nhau, để tìm ra âm nhạc phù hợp với bệnh nhân.

Tự sáng tác cũng là một lựa chọn tốt, có thể lấy một nhạc phẩm hiện có và thay đổi lời bài hát để phù hợp với câu chuyện của bệnh nhân, hoặc sáng tác một bài hát gốc để gửi gắm nỗi niềm.

Ứng biến linh hoạt liệu pháp âm nhạc sẽ giúp bạn có ý tưởng sắp xếp mọi thứ theo đúng tiến độ và cảm thấy thoải mái hơn với cảm xúc hay các triệu chứng lo âu của bản thân.

Cũng có những lợi ích khác đã được chứng minh. Một thử nghiệm lâm sàng có tên Music in Mind có trụ sở tại Bắc Ireland đã sử dụng liệu pháp âm nhạc để điều trị riêng cho trẻ em và thanh niên có vấn đề về hành vi và triệu chứng về sức khỏe tâm thần. Đề tài khoa học đã tìm thấy những cải thiện đáng kể trong giao tiếp, nhận thức cá nhân và chức năng xã hội.

Nghe nhạc có thể cải thiện chứng rối loạn lo âu -0
Âm nhạc có thể giúp những người trẻ tuổi phát triển các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc (Nguồn: Shutterstock/MIA Studio)

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra kết quả tích cực trong việc sử dụng kết hợp liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp âm nhạc.

Âm nhạc có thể giúp những người trẻ tuổi phát triển các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc - cơ chế cho phép chúng ta hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Tự quản lý các tình huống khó khăn bằng cách điều chỉnh phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với các sự việc và cảm giác, suy nghĩ cá nhân.

Phát triển các kỹ năng điều chỉnh cảm xúc là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro của các thách thức tâm lý sau này và có thể bắt đầu từ thời thơ ấu bằng cách tương tác với âm nhạc.

Một lưu ý nhỏ

Một nghiên cứu của Mỹ đã sử dụng phương pháp này đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về cách thức điều tiết cảm xúc, chỉ ra rằng việc sử dụng âm nhạc trong các hoạt động vui chơi có thể có những tác động rất tích cực đối với trẻ nhỏ.

Do đó, đây hoàn toàn là liệu pháp có tiềm năng phổ biến rộng rãi để thực hành sử dụng âm nhạc để hỗ trợ cải thiện đời sống cho các trẻ em và thanh thiếu niên sống chung với chứng rối loạn lo âu.

Mục đích chủ yếu của phương pháp này tạo thói quen nghe nhạc và các trải nghiệm tương tự là nhằm khám phá cảm xúc, giảm bớt lo lắng ở từng cá nhân. Việc áp dụng sớm âm nhạc trong môi trường mầm non và trường học cũng có thể giúp trẻ phát triển toàn diện, xây dựng khả năng phục hồi ở trẻ em trước những biến cố tiêu cực trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, nếu các triệu chứng rối loạn phát triển, âm nhạc có thể được sử dụng để bệnh nhân có thể tự nhận thức được cảm xúc. Hỗ trợ quản lý cảm xúc, tạo được sự tập trung cho bệnh trong quá trình điều trị.

Có rất nhiều bằng chứng về tính hiệu quả của liệu pháp này, có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta cần tận dụng những lợi ích của âm nhạc để cải thiện và phòng các chứng bệnh liên quan tới sức khỏe tinh thần.

                                                                        (Nguồn: https://theconversation.com)

Minh Hiếu
#