Xem - Nghe - Đọc

Sơn ca trên đỉnh núi

- Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:27 - Chia sẻ
Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Phan Quế Mai - "The Mountains Sing", có người dịch là "Những ngọn núi hát", cũng có người chuyển ngữ thành "Những ngọn núi ngân vang"...

Những câu chuyện không chết

 "Gã Mắt đen rút kiếm. Đầu của cụ cố lăn long lóc, hai mắt vẫn mở to, trợn tròn...". Bà Diệu Lan đã kể như vậy cho cháu ngoại nghe về thời khắc người cha bị tên đội người Nhật chém bay đầu, cách chỗ bà và anh trai nấp có mấy chục bước...

Đoạn trên đây mới chỉ là khởi đầu cho cuộc đời mấy chục năm của bà Diệu Lan dồn dập những biến cố đau thương: chồng bị đầu độc, mẹ và anh trai bị giết, con trai đầu thoát chết nhưng rồi mất tích trong cải cách ruộng đất; một con trai chết trong chiến tranh chống Mỹ; sau cuộc chiến, các con khác người thì cụt chân, người chấn thương về tinh thần, người mất tích, người xa lánh mẹ...

 Đan xen với đó là chuyện do cháu ngoại bà, Hương, hay Ổi, kể về những ngày Khâm Thiên đổ nát; mong ngóng tin bố, mẹ, các cậu; chứng kiến sự đổ vỡ thương tổn trong tâm hồn người trở về; chia biệt trong gia đình; những ngày bà Diệu Lan bất đắc dĩ bỏ nghề giáo làm con buôn chợ đen... Khi bà mất đi, cô viết lại những gì xảy ra với gia đình mình và hóa bản thảo trước mộ để bà đọc ở thế giới bên kia.

Diệu Lan nói: “Ổi à, trước đây bà không muốn kể cho cháu nghe về cái chết của cụ cố, nhưng cháu và bà đã từng chứng kiến đủ chết chóc và bạo lực để hiểu rằng cách duy nhất chúng ta nói về chiến tranh - đó là sự thành thật. Chỉ với sự thành thật chúng ta mới học được sự thật”. Cứ như thế, Ổi ơi, Ổi à, mấy chục năm cuộc đời của nhà họ Trần, cũng là mấy chục năm lịch sử đất nước được tái hiện qua những câu chuyện bà kể cho cháu. 

Những sự thật trái ngược nhau về chiến tranh, sự tráo đổi, chia cắt, cái đẹp, và bản chất con người, như Quế Mai từng nói: “Tôi viết về sự thảm khốc của chiến tranh và xung đột để nói lên giá trị hoà bình, viết về sự chia lìa để nói về giá trị của sự đoàn tụ, viết về cái chết để nói về giá trị của mỗi phút giây bình thường”. Trên hết, trong lời đề tặng, tác giả viết: “Tôi mong sẽ không còn một cuộc xung đột vũ trang nào nữa trên trái đất này”.

Trong những câu chuyện đó, người phụ nữ vừa là người kể chuyện, vừa là nhân vật trung tâm, dẫn dắt người đọc qua gần một thế kỷ lịch sử Việt Nam. “Đêm đen dày đặc,” bà Diệu Lan kể về những ngày mang 5 đứa con chạy trốn khỏi quê hương, “bóng của những ngôi làng ở đường chân trời nhìn giống như những người phụ nữ đang còng lưng xuống vì gánh nặng cuộc đời. Mẹ của bà đã từng mang gánh nặng của mình, và giờ thì đến lượt bà”.

Hương nhớ lại lời bà ngoại: “Nếu những câu chuyện vẫn còn, chúng ta sẽ không chết, ngay cả khi thân thể chúng ta không còn trên trái đất này”. Cô bảo, “những câu chuyện của bà giúp tôi và niềm hy vọng của tôi sống sót qua cuộc chiến tranh”. 

Thiên hùng ca đầy chất thơ

Quế Mai - nhà thơ đã thể hiện mình trong tiểu thuyết của Quế Mai - nhà văn. Đọc "Những ngọn núi...", bạn đọc thấy rất nhiều hình ảnh, nhịp điệu, ý tứ của thơ trong đó, với sự nhạy cảm của nhà thơ đối với cái đẹp ngay cả trong những tình cảnh tuyệt vọng. Chẳng hạn như đọc câu sau đây của Ổi, ta sẽ thấy điều đó: “Trong những câu chuyện của bà, tôi được nếm vị ngọt của những trái sim trên đầu lưỡi, cảm nhận những chú dế đạp chân trong lòng bàn tay, và được đung đưa trên võng dưới bầu trời phủ đầy sao lấp lánh..."

Tiếng Việt hiện diện khá nhiều trong cuốn tiểu thuyết với những từ được để nguyên như mẹ, trâu, nón lá, ruột tượng, đàn nhị, hoa mướp, dâm bụt, na, sim, phượng, bàng…; những câu cảm thán, xưng hô như bà ơi, mẹ ơi, bố ơi… Mặc dù để nguyên tiếng Việt như vậy có thể làm độc giả phương Tây khó đọc, khó theo dõi, làm cho sách ít hấp dẫn hơn về mặt thương mại, nhưng Quế Mai từ chối thay đổi. Chị nói: “Tôi muốn mang đến cho độc giả thực đơn thật của món ăn Việt, với ớt, lá chanh, gừng, nước mắm các thứ...”. Những câu thành ngữ để nguyên tiếng Việt kèm theo bản dịch tiếng Anh cũng thường xuyên xuất hiện: “Trong cái rủi có cái may” (Bad luck hides inside good luck); “Trời có mắt” (Heaven has eyes); “Ác giả ác báo” (Cruelty dispensed, cruelty returned)... Có đoạn, Quế Mai đã cố viết đi viết lại cảm giác đau đớn, xấu hổ, sợ hãi và mất mát của nhân vật nữ bị cưỡng hiếp trong chiến tranh, nhưng đều không đạt. Cuối cùng, nhờ chuyển sang dùng một vài từ tiếng Việt, tác giả đã “bắt” đúng cảm xúc của mình.  

Bao giờ núi hát?

 Hình ảnh những ngọn núi trong tên của cuốn tiểu thuyết phần nào đó đã được giải mã ngay từ trang đầu, khi Hương nhớ lại lời bà ngoại mình: “Những thử thách mà đất nước Việt Nam ta đã phải chấp nhận trong suốt chiều dài lịch sử cao ngất như núi. Đứng gần quá thì cháu không thể thấy đỉnh núi. Nhưng khi cháu lùi xa khỏi dòng đời, cháu sẽ thấy được toàn cảnh”. Đến cuối sách, người cháu chiêm nghiệm lại: “Tôi đã lùi đủ xa để thấy được đỉnh núi, và cũng đủ gần để chứng kiến chính Bà ngoại là ngọn núi cao nhất: luôn ở đó, luôn vững như núi, luôn bảo vệ con cháu...”.

"Mountain Sing" còn có nghĩa là sơn ca. Cha của Hương đã chạm khắc chú sơn ca bằng gỗ trong những ngày ở chiến trường, trao cho Đạt - em vợ mang về cho con gái. Món quà đã cùng những người lính vượt bao nhiêu ngọn núi, dòng sông, thoát khỏi bao nhiêu trận bom, sống sót qua những trận đánh. Để rồi lúc đến tay con gái, cô được chạm vào dòng chữ cha mình khắc chìm dưới đế gỗ: "Con gái, con là máu nóng trong tim cha". 

Cậu Đạt kể cho Hương, loài chim sơn ca đã hót cho những người lính nghe hàng tháng trời dọc đường hành quân ra chiến trường. “Khi loài chim này hót, cậu có cảm giác như mọi ngọn núi xung quanh cũng hát theo”. Theo truyền thuyết, tiếng hót của sơn ca có thể vọng lên đến tận thiên đường, đưa linh hồn người chết được trở về. Khi Hương hóa xong bản thảo cuốn tiểu thuyết trước mộ bà, cô chợt thấy, “trong đám tro tàn, sơn ca dường như chuyển động, vỗ cánh, vươn cao cổ, đưa tiếng hát gọi bà trên thiên đường trở về”. 

Một lần Quế Mai được hỏi, các nhân vật của Những ngọn núi có may mắn không. Không cần suy nghĩ, nhà văn trả lời ngay: “Họ may mắn vì đã có thể vị tha đối với người khác … Chúng ta chỉ vị tha được khi nhìn sự vật từ góc nhìn của người khác và thiện tâm với người khác. Tôi nghĩ một trong những thông điệp của cuốn sách là hướng đến sự vị tha nhiều hơn. Chúng ta cần vị tha đối với bản thân và vị tha với người khác”. Như Ổi nhớ lại, những nếp nhăn trên mặt bà lúc ấy giãn ra, không còn nỗi buồn nào nữa, mà chỉ còn lại sự an lành. Chính sự vị tha, hòa giải, tình yêu, niềm hy vọng đã chữa lành những vết thương, hóa giải những nỗi khổ đau chất cao như núi, và điều chính yếu nhất - mang lại sự bình an trong tâm tưởng. Đấy chính là lúc sơn ca ngân vang trên những đỉnh núi. Xin gọi tên cuốn tiểu thuyết này bằng tiếng Việt là "Sơn Ca trên những đỉnh núi" - "The Mountains Sing".

"The Mountains Sing" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Đức, Thụy Điển, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Tây Ban Nha... Hy vọng một ngày nào đó, Sơn Ca sẽ đến với đông đảo bạn đọc người Việt qua bản dịch tiếng Việt.

Nguyễn Đức Lam