Dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào

Sớm thống nhất cách làm

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:41 - Chia sẻ
Đề xuất của một số tỉnh về việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào nhằm phân biệt đào rừng tự nhiên và đào rừng do người dân trồng đang tạo ra luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc này không cần thiết, phát sinh chi phí, thủ tục; một bên khẳng định làm vậy sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho đào địa phương. Dù vậy, việc sớm thống nhất cách làm là rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho người trồng cũng như người chơi đào.

Tỉnh dán, tỉnh không

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khai thác, bán, vận chuyển cây đào dịp Tết Tân Sửu 2021, UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên. Hình thức truy xuất nguồn gốc cây đào theo các quy định tại Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19.01.2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Sơn La, tỉnh có trên 5.000ha trồng đào (cả giống đào rừng), chủ yếu do đồng bào dân tộc trồng ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà. Đây là nguồn thu nhập của bà con trong dịp Tết.

Tỉnh Điện Biên đang rà soát diện tích trồng đào và thông tin tới người dân trồng loại cây này trên nương rẫy để yên tâm thu hoạch đúng vụ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Minh Hải cho biết, cây đào được người dân địa phương trồng tự phát rải rác tại thôn bản từ xa xưa. Tỉnh không có đào rừng mọc tự nhiên. Hiện, tỉnh đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp có hướng dẫn cụ thể.

Còn tại Lai Châu, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết đang xây dựng phương án để chứng nhận đào trồng của người dân và ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng.

Trong khi đó, tại Lào Cai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đỗ Văn Duy khẳng định sẽ không truy xuất nguồn gốc cây đào. Lý do bởi kết quả kiểm tra cho thấy tỉnh chỉ có đào trồng vườn nhà nên sẽ không cần truy xuất. Việc dán tem sẽ kéo theo thủ tục phức tạp, trong khi Tết đang đến gần, nếu triển khai sẽ không kịp. Tỉnh đã đề nghị lực lượng kiểm lâm tạo điều kiện để người dân được mua bán cây đào trồng thuận lợi.

Như vậy, các địa phương đang có quan điểm khác nhau về việc dán tem cho cây đào. Nếu không thống nhất cách làm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều hộ dân miền núi vì đây là nguồn thu nhập chính của họ.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ chuyển đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, giải đáp. Tinh thần chung là Chính phủ ủng hộ đề xuất này, ông khẳng định.

"Hết sức cân nhắc"

Không chỉ địa phương, ngay các chuyên gia cũng có cách nhìn khác nhau về vấn đề này.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đề nghị "hết sức cân nhắc việc dán tem" bởi sẽ phát sinh chi phí, thủ tục cho người dân. Chưa kể, tỉnh dán tem tỉnh không dán sẽ làm khó cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý. "Cùng cành đào rừng trồng mang về tiêu thụ ở Hà Nội, nếu là đào Sơn La có dán tem nhưng đào Lào Cai lại không, vậy làm thế nào để biết cành đào không dán tem kia chính xác là đào rừng trồng mà không bị trà trộn?". Theo ông Thủy, các địa phương cần rà soát kỹ, nếu trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, hoàn toàn là đào rừng trồng thì không cần dán tem truy xuất nguồn gốc. “Thực tế, số lượng đào rừng tự nhiên nếu có cũng rất hãn hữu”, ông thông tin thêm.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, khi các địa phương đã xác định trên địa bàn chỉ có đào rừng trồng thì không cần dán tem. Chưa kể, việc dán tem có thể phát sinh tiêu cực và nếu tỉnh dán, tỉnh không thì sẽ không công bằng. Thay vì dán tem cho từng cây đào, các địa phương nên kiểm soát thật tốt, bảo đảm các xe chở cành đào đi tiêu thụ là đào rừng trồng, có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương, như vậy sẽ tiết giảm chi phí, thủ tục cho người dân, ông Thắng đề xuất.

Trái lại, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mã số mã vạch Việt Nam Nguyễn Văn Lý cho rằng, việc dán tem truy xuất nguồn gốc với cây đào “rất cần thiết” nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu người dân không  chặt, phá cây rừng, đào rừng. Hiện nay rất khó phân biệt đào rừng tự nhiên với đào trồng tại nhà, nếu không dán tem sẽ nhập nhằng, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng. Về lâu dài, việc dán tem truy xuất nguồn gốc còn để khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm cây đào của các địa phương. “Rõ ràng, việc dán tem không những có lợi ích về mặt xã hội, bảo đảm không chặt phá rừng mà còn có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế”, ông Lý khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc dán tem “chắc chắn sẽ phát sinh chi phí, thủ tục cho người dân”. Do đó, các địa phương cần tìm giải pháp tối ưu để hỗ trợ người dân. Thay vì để tự mỗi chủ vườn đăng ký truy xuất nguồn gốc (chi phí thấp nhất vào khoảng 5 - 6 triệu đồng), các địa phương có thể thực hiện truy xuất theo xã hoặc huyện nhằm tiết giảm thời gian, chi phí. Cụ thể, UBND xã/huyện sẽ đăng ký truy xuất nguồn gốc để có chung một mẫu tem dán lên tất cả các sản phẩm (cành đào) trên địa bàn. “Để làm được điều này, công tác kiểm tra, rà soát sẽ phải làm thật cẩn thận”, ông Lý khuyến cáo.

Hiện, Chính phủ vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc dán tem cho đào. Để bảo đảm quyền lợi cho người trồng đào cũng như nhu cầu chơi đào Tết của người dân, việc sớm thống nhất cách làm rất cần thiết để bảo đảm triển khai đồng bộ, thống nhất.

Đan Thanh