Cho công nhân thuê đạt tỷ lệ lấp đầy 100% tại dự án thí điểm
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (Đề án) nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12.5.2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4.11.2020. Trong đó, Tổng Liên đoàn triển khai đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động theo các cơ chế quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội.
Triển khai thực hiện Đề án, Tổng Liên đoàn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm cho Tổng Liên đoàn khảo sát lập quy hoạch khu thiết chế Công đoàn. Về thủ tục đầu tư. Tổng Liên đoàn thành lập Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Ban quản lý dự án chuyên ngành) để giao làm chủ đầu tư các dự án thiết chế Công đoàn theo Đề án được duyệt.
Theo nội dung quyết định phê duyệt Đề án giai đoạn 2017 - 2020, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo hoàn thành việc đầu tư thí điểm 1 thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam theo cơ chế chính sách Nghị định 100/2015/NĐ-CP với các hạng mục: Nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 block nhà chung cư 5 tầng với 244 căn hộ thuộc giai đoạn 1 của dự án, đã cho công nhân thuê nhà đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Khi thực hiện thí điểm đầu tư nhà ở xã hội tại Hà Nam, Tổng Liên đoàn áp dụng các ưu đãi đối với nhà ở xã hội quy định tại Luật nhà ở 2014, được cụ thể hóa tại Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Khoản 8, Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP, quy định như sau: được miễn tiền sử dụng đất, được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 58 của Luật Nhà ở và pháp luật về thuế liên quan.
Sớm tháo gỡ vướng mắc từ các quy định pháp luật
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số vướng mắc cơ bản về quy định pháp luật cần sớm được tháo gỡ trong quá trình thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đó là việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở bằng nguồn vốn tài chính công đoàn chưa được Luật Nhà ở 2014 điều chỉnh; Tổng Liên đoàn không thuộc đối tượng được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, không phải là chủ thể kinh doanh bất động sản, không ký kết được hợp đồng mua bán, cho thuê căn hộ…
Xuất phát từ những vướng mắc về pháp luật dẫn đến việc triển khai Đề án mặc dù có rất nhiều kỳ vọng nhưng hiện nay chưa đạt được mục tiêu, mong muốn là Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Đề án đang phải thực hiện theo hướng: (1) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao. (2) Các doanh nghiệp có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. (3) Khu nhà ở xã hội thí điểm ở Hà Nam theo quy hoạch có nhà ở để bán cho công nhân, nhưng không bán được mà phải vận dụng Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 để cho thuê.