Tiếp tục rà soát thiệt hại sau bão số 3 để có chính sách phù hợp
Tại cuộc thảo luận, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 7%. Đây là mục tiêu rất thách thức, trong bối cảnh nước ta vừa trải qua cơn bão số 3.
Theo ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang), cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề cho 26 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ. Ngay sau bão, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp chung vào tăng trưởng cả năm của nền kinh tế, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát kỹ thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão số 3; sớm có chính sách giãn nợ, miễn nợ đối với các khoản vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão.
Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu và mua bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để giảm bớt khó khăn khi thiên tai, rủi ro xảy ra.
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) chỉ ra, hiện, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 9 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 14,7% so cùng kỳ 2023. Bên cạnh các rào cản về tài chính, đất đai, doanh nghiệp còn gặp các vướng mắc về pháp lý, vì vậy cần có chính sách tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc quản lý doanh nghiệp hiện chưa chặt chẽ, dẫn đến số lượng báo cáo với thực tế chưa sát. Chẳng hạn, tại Bà Rịa – Vũng Tàu có 22.000 doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ có 12.000; khi có số liệu sát thực tế sẽ là cơ sở để xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp và hiệu quả.
Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị, cần có chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh, nhất là tháo gỡ khó khăn về chế độ bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành, để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và Nghị quyết số 100/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành các quy định giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi. Do vậy, Chính phủ cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản để giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể để tham gia bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của Nghị quyết số 100/2023 và Nghị quyết số 142/2024 của Quốc hội.
Cần đánh giá việc triển khai Nghị định 73/2023 về bảo vệ cán bộ
Để thúc đẩy tăng trưởng, thể chế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm từ 1.8.2024, thay vì từ 1.1.2025, được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực phát triển. Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương đã rất nỗ lực để bảo đảm cho các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các vấn đề liên quan đến kinh tế. Cùng với đó, thể chế cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm ban hành, nhất là thể chế cho liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Vì vậy, “Chính phủ cần quyết liệt đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, nhất là liên quan các luật có hiệu lực trong năm 2024”, đại biểu đề nghị.
Dẫn thực tế khi đi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tám, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, cử tri phản ánh vẫn còn tình trạng nhiều văn bản pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo. Do vậy, Chính phủ cùng các bộ ngành cần có giải pháp để sớm xử lý một cách rốt ráo; tránh xử lý được ở một số văn bản này nhưng lại vướng ở văn bản khác. Khi thể chế được khơi thông, chắc chắn sẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đạt được các mục tiêu đề ra.
Tin tưởng, với quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, mục tiêu tăng trưởng trên 7% trong năm nay sẽ đạt được, ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) nhấn mạnh sự ổn định, tính đồng bộ cả trong hệ thống pháp luật lẫn thực thi là rất quan trọng.
Nhắc lại thông điệp của Lãnh đạo Đảng là “không hình sự hóa quan hệ dân sự", đại biểu Trần Quốc Nam đề nghị, cần thực thi thống nhất, xuyên suốt, hiệu quả, qua đó tạo dựng niềm tin, động lực trong sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo đại biểu, ngày 29.9.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này gần như không đề cập đến Nghị định số 73. Thực tế, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đâu đó vẫn còn, do vậy, đại biểu Trần Quốc Nam đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá việc thực hiện nghị định để có hướng giải quyết phù hợp, thực sự khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. “Đây chính là yếu tố đầu vào của sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Cấp thiết xây dựng luật về khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, để thúc đẩy tăng trưởng, vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp rất quan trọng. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu hút được lượng lớn vốn đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành, liên kết vùng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Không những thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động rất hiệu quả.
Dù vậy, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là thể chế và luật có liên quan còn chưa hoàn thiện, mới chỉ dừng ở cấp nghị định; trình tự thủ tục thành lập còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan nhiều lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động…
"Do đó, việc xây dựng luật về khu công nghiệp, khu kinh tế là rất cấp thiết, không chỉ thể chế cho khu công nghiệp, khu kinh tế, mà còn điều chỉnh cho các khu công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái. Điều này cũng sẽ đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển đất nước", đại biểu Lã Thanh Tân tin tưởng.