Sổ tay:

Đổi mới mô hình kiểm tra hàng hóa

- Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:27 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong đó, Đề án đã xác định tiếp tục cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, với mục tiêu giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu (trừ hàng hóa kiểm tra liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa…).

Đề án đưa ra 7 nội dung cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành, như: áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước; áp dụng quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ, giảm chi phí xã hội... Đặc biệt Đề án nêu rõ, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Quyết định số 38/QĐ-TTg cũng đưa ra mô hình kiểm tra mới. Theo đó, hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện tại cơ quan hải quan, cơ quan hải quan giải quyết đồng thời thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Hàng hóa nhập khẩu được phân loại vào các quy trình kiểm tra khác nhau dựa trên các phương thức kiểm tra theo hướng đơn giản dần trên cơ sở ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Hệ thống tự động quyết định đối tượng được miễn, giảm kiểm tra, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn, giảm kiểm tra.

Như vậy, mô hình này đã cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa. Cụ thể, cắt giảm 3 bước thủ tục trong 10 bước đối với quy trình kiểm tra chất lượng; cắt giảm 2 bước thủ tục trong 5 bước đối với quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo tính toán nêu tại Đề án, nếu thực hiện mô hình mới sẽ cắt giảm 54,4% số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm. Chi phí tiết kiệm ước tính cho doanh nghiệp là 881 tỷ VNĐ (37,8 triệu USD/năm) và cho nền kinh tế là 399 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mô hình này, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện phương án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.

Theo dự kiến, Dự thảo sẽ trình Chính phủ trong quý II.2021; đồng thời rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.

Đình Khoa