Tuyên truyền bầu cử vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ

- Thứ Tư, 10/03/2021, 05:36 - Chia sẻ
Theo các thành viên Hội đồng Dân tộc, tuyên truyền về bầu cử đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần có những đặc thù riêng, phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Phương pháp, cách thức tuyên truyền cần sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ quan thông tấn, báo chí dịch các nội dung, thông tin về bầu cử sang tiếng dân tộc.

Giúp đồng bào nắm chắc, hiểu rõ

Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (cuộc bầu cử) được tiến hành vào ngày 23.5 tới là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức sau thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, tại Hội nghị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức, các đại biểu nêu rõ, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ảnh: Thái Bình

Từ thực tiễn bầu cử đại biểu Quốc hội và hoạt động của Quốc hội Khóa XIV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu rõ, việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đại diện cho mình tại Quốc hội đã góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Hội đồng Dân tộc đã ghi dấu ấn lịch sử trong hoạt động của mình khi đã đề xuất, tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thông qua khoản 1 Điều 68a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi - PV) và 2 Nghị quyết quan trọng với tuyệt đại đa số phiếu tán thành gồm: Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhấn mạnh, đây là những quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội. Lần đầu tiên, Quốc hội ban hành 2 nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn.

Những thành tựu trên đây trong lĩnh vực dân tộc cần tiếp tục được Quốc hội Khóa XV kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong việc giám sát, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy việc tổ chức thực hiện 2 Nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua. Hội đồng Dân tộc cũng phải tham gia thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án, dự thảo trình Quốc hội có liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Vì thế, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Quốc hội.

Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đặt mục tiêu phấn đấu đạt ít nhất 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt 17,3% (86 đại biểu là người dân tộc thiểu số), thiếu 4 đại biểu so với dự kiến ban đầu. Ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, để tiếp tục phấn đấu và đạt được tỷ lệ 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm tuyên truyền của các cơ quan thông tấn, báo chí đến những ứng cử viên này. Cần sớm công bố danh sách ứng cử viên sơ bộ để cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận sớm và có hướng tuyên truyền cho phù hợp, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân

 

Tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán

Tại Hội nghị của Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc, các đại biểu cũng mong muốn, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp để đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nắm chắc, hiểu rõ pháp luật về bầu cử, về các ứng cử viên để thực hiện tốt nhất quyền bầu cử của mình.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, để đồng bào dân tộc thiểu số nhiệt tình ủng hộ, cùng tham gia bầu cử, thực hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Tuyên truyền về các nguyên tắc, quy tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm của cử tri trong quá trình bầu cử; sự ủng hộ của Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số đối với đường lối đổi mới của Đảng; phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử; biểu dương kịp thời những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là công tác bầu cử ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...

Cùng với đó, cần tuyên truyền sinh động các nội dung về tiếp xúc cử tri, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên, đặc biệt là ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, ứng cử viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên là người dân tộc rất ít người, ứng cử viên thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; công tác phục vụ, bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công và tuyên truyền về kết quả cuộc bầu cử, kết hợp với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19...

Theo các thành viên Hội đồng Dân tộc, tuyên truyền về bầu cử đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những đặc thù riêng, phù hợp với phong tục, tập quán, môi trường sống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Do đó, phương pháp, cách thức tuyên truyền phải sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ; khuyến khích các cơ quan thông tấn, báo chí dịch các nội dung, thông tin về bầu cử sang tiếng dân tộc.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí cần bám sát tôn chỉ, mục đích tuyên truyền để triển khai theo nhiều hướng khác nhau, tránh trùng lặp thông tin. Đơn cử, Báo Phụ nữ có thể khai thác góc độ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số. Báo Công thương có thể phản ánh tiếng nói của đại biểu dân tộc thiểu số ở cửa khẩu, biên giới… Đối với thực tế, thông tin bầu cử còn hạn chế vì phóng viên không đi được đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa, Ủy ban Dân tộc cũng có phương án đăng tải thông tin về bầu cử lên Cổng Thông tin điện tử, xây dựng nguồn tin mang tính pháp lý, chính thống cho các cơ quan thông tấn báo chí có thể khai thác.

Anh Thảo