Chuyên mục Lời nói và Hành động

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính - từ yêu cầu đến thực hiện

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:35 - Chia sẻ
Thực hiện yêu cầu sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tiến hành sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, đạt được những kết quả bước đầu. Bên cạnh những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ rõ, minh chứng bằng số liệu tại Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII mà Bộ Nội vụ gửi Quốc hội.

Giảm bộ máy cơ quan chuyên môn

Đây có thể xem là một trong những kết quả nổi bật của ngành nội vụ trong thực hiện yêu cầu sắp xếp cơ cấu tổ chức cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, qua tiến hành sắp xếp cơ cấu tổ chức cơ quan trong Chính phủ, hiện tổ chức bộ máy của các cơ quan này có 52 ban và tương đương (giảm một tổ chức), 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức). Trong cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, qua sắp xếp cũng giảm về số vụ, hiện có 249 vụ và tương đương (giảm 12 tổ chức/giảm 4,6%).

Số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ cũng có xu hướng giảm, giảm 9,09% so với thời gian trước khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, hiện còn 100 đơn vị. Tuy nhiên, số lượng cục, tổng cục lại tăng, với với 126 cục (tăng 7 tổ chức, tương đương tăng 5,88%), số tổng cục và tương đương hiện ở con số 31, (tăng 2 tổng cục, tăng 6,9%). Dù vậy, Bộ Nội vụ nhận định, nếu tính giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an thì tổng số lượng vẫn giảm 4 tổng cục.

Bên cạnh sự tinh gọn của cơ quan thuộc Chính phủ, bộ máy hành chính của chính quyền địa phương ở cấp tỉnh giảm về số cơ quan chuyên môn (0,42%), số phòng (11,24%), chi cục (11,79%), phòng thuộc chi cục (26,43%) và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh (8,45%). Số đơn vị sự nghiệp công lập cũng giảm 3.819 đơn vị (7,33%). Kết quả này đạt được do các địa phương đã tích cực rà soát, tổ chức lại bộ máy, đặc biệt ở một số tỉnh đã tiến hành hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên thông với nhau (giúp giảm trung bình khoảng 3 đầu mối) hoặc cơ quan hành chính sáp nhập vào cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (giảm một đầu mối). Việc sáp nhập cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện cũng được thực hiện, với tổng số lượng là 322 cơ quan (tại 35 địa phương).

Có thể thấy, với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tổ chức bộ máy hành chính bước đầu đã được sắp xếp tinh gọn, nhất là đầu mối bên trong của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, vẫn tăng thêm 2 tổng cục, 7 đơn vị cấp vụ và 6 đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổng cục. Dù không đưa ra nguyên nhân trực tiếp khiến số lượng tổng cục, đơn vị cấp vụ, sự nghiệp thuộc cơ cấu tổng cục tăng, nhưng trong Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng khẳng định, vẫn còn tình trạng lồng ghép vấn đề về tổ chức bộ máy, đặc biệt là tên gọi và nhiệm vụ của một số cơ quan thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ trong các dự án luật trình Quốc hội. Chính phủ cũng cho rằng tình trạng này gây khó khăn trong việc phân công, quản lý, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương.

Hàng trăm trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm...

Bên cạnh yêu cầu tinh gọn bộ máy, việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng là yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết số 56/2017/QH14 và Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội (về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, trong đó có lĩnh vực nội vụ). Đây cũng là một trong những vấn đề nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng cho thấy, công tác này được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả quan trọng. Cụ thể, biên chế do Chính phủ quản lý tính đến năm 2020 đã giảm được 334.548 người, tương ứng 94,34%. Bên cạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Qua kết quả thanh tra, kiểm tra đã có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng; 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm; 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp; 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức; 53 trường hợp bị thi hành kỷ luật; 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác.

Bên cạnh thực hiện những chủ trương lớn, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các địa phương nghiêm túc rà soát, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn khắc phục những vướng mắc, bất cập được đông đảo cử tri, ĐBQH quan tâm. Đặc biệt, trước những vướng mắc, bất cập trong việc ký hợp đồng với giáo viên, nhân viên y tế mà nhiều ĐBQH chất vấn, Bộ Nội vụ đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3.7.2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. 

Những kết quả nêu trên cho thấy, Chính phủ, trong đó Bộ Nội vụ - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước... thường xuyên quan tâm đẩy mạnh triển khai cải cách công vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đương nhiên đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, tổ chức bộ máy, nên còn không ít hạn chế, tồn tại, trong đó có sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đơn cử, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm đã được đặt ra từ Nghị quyết số 113/2015/QH13 nhưng kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu, nhất là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện còn chậm.

Tại Nghị quyết số 100/2019/QH14, yêu cầu "đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương" tiếp tục được Quốc hội nêu ra. Tháng 6.2020, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức; và ngày 10/9/2020 mới ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, việc sửa đổi các nghị định quy định về cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ về biên chế, vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập hiện cũng chưa hoàn thành. Do vậy, việc triển khai yêu cầu về "hoàn thành Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập" theo yêu cầu tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV tiến hành chậm.

Có thể thấy, số lượng "đầu việc" đối với lĩnh vực nội vụ nêu trong các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khá lớn, trong đó có không ít nhiệm vụ khó, nếu không nói là "nhạy cảm", đòi hỏi thời gian nhất định, khó có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai. Với nỗ lực và quyết tâm cao, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án, chương trình quan trọng để thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các yêu cầu của Quốc hội, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, nhìn ngay trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội thì thấy rằng, còn không ít nhiệm vụ chưa hoàn thành, một số tồn tại được ĐBQH phản ánh, chất vấn qua nhiều kỳ họp chưa được chỉ rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm cụ thể thuộc về ai. Vì thế, với lĩnh vực nội vụ rất cần những đánh giá một cách toàn diện và cụ thể hơn nữa về khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là những nội dung nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Có như vậy mới tìm được nút thắt căn bản ở đâu, từ đó xác định giải pháp khắc phục, tạo chuyển biến thực sự trên thực tế.

Lê Bình