Sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 16:16 - Chia sẻ
Theo ghi nhận thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm không ngừng gia tăng. Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid-19 hiện nay. Trước thực trạng này, ngành Y tế đã tăng cường tập trung triển khai nhiều hoạt động để kiểm soát bệnh không lây nhiễm.

Gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và tiến triển chậm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch (nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính... Thống kê trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó, nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép. Trong khi nước ta vẫn phải nỗ lực để kiểm soát bệnh truyền nhiễm với những bệnh, dịch nguy hiểm và mới nổi như đại dịch Covid-19, nước ta cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật.

Tăng cường sàng lọc/phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã
Tăng cường sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã

“Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid- 19 hiện nay”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ, hiện nay bệnh không lây nhiễm đang là thách thức với toàn cầu và là gánh nặng lớn đối với toàn xã hội. Song, theo số liệu điều tra yếu tố nguy cơ - Điều tra STEPS 2015 tại Việt Nam, trong số 43,1% người chỉ có 13,6% được đưa vào quản lý điều trị. Tương tự với bệnh tiểu đường, tỷ lệ được phát hiện chỉ đạt 31,1% và chỉ 28,9% được đưa vào quản lý điều trị.

Tăng tỷ lệ phát hiện và quản lý điều trị

Theo đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này. Ngày 25.10.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến 2030 có 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, trong đó các giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để giảm thiểu yếu tố nguy cơ, tăng tỷ lệ phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm.

Bộ Y tế cũng nỗ lực triển khai phòng, chống bệnh không lây nhiễm bằng việc ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 3756/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở; Quyết định số 5904/QĐ-BYT ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã”. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5.2021.

Về thực tiễn hoạt động, thời gian qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng các mô hình điểm về sàng lọc/phát hiện và quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường tại các tỉnh. Để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền núi và trung du khó khăn có nguồn lực để nhân rộng mô hình thí điểm này, chương trình hợp tác "Sàng lọc, phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến xã” sẽ triển khai tại 3 địa phương Cao Bằng, Lai Châu và Ninh Bình. Chương trình hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường được quản lý điều trị tại các cơ sở y tế, đặc biệt ở các trạm y tế, nhằm hạn chế tỷ lệ tàn tật và tử vong sớm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân tại 3 tỉnh trên giai đoạn 2021 - 2022.

Cụ thể, chương trình sẽ có các hoạt động như nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường; hỗ trợ trang thiết bị và vật tư tiêu hao thiết yếu cho các trạm y tế xã và y tế thôn bản; thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm và đưa vào quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức của nhân dân về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm để khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm.

Hoàng Yến