![]() Một góc Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê Nguồn: vccinews.vn |
Bằng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn, Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê đã có thể sử dụng loại than cám 6a, 6b (có nhiệt lượng khoảng 4.000 Kcalo/kg) tại vùng mỏ Mạo Khê, tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Phó giám đốc Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê Đỗ Trọng Anh cho biết, nhà máy này cũng gần nguồn nguyên liệu; vận chuyển than bằng băng tải nên bảo đảm môi trường; kết cấu cũng giúp kết nối với lưới điện thuận lợåi... Đặc biệt, nhà máy nằm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên có thể phát huy được công suất phát đáy của phụ tải. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thường áp dụng công nghệ PC, sử dụng nguyên liệu than cám 5, nhiệt lượng trung bình phải đạt từ 5.000Kcalo/kg trở lên.
Nhiệt điện Mạo Khê không phải nhà máy sử dụng nguyên liệu than chất lượng thấp đầu tiên tại nước ta. Cả nước hiện có 5 nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ này, với tổng công suất 1.550MW, do Vinacomin làm chủ đầu tư. Đó là nhà máy nhiệt điện Na Dương hoạt động từ năm 2004, công suất 100MW; nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn cũng có công suất 100MW, hoạt động năm 2007; nhà máy nhiệt điện Sơn Động công suất 220MW, hoàn thành từ cuối năm 2010. Và trong năm 2011, nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, với tổng công suất 600MW đã được hoàn thành và hoạt động ổn định. Theo chủ trương nâng cao giá trị hòn than, tiết kiệm năng lượng, hiện Vinacomin đang nghiên cứu để đầu tư nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 có thể sử dụng than chất lượng thấp hơn, chỉ từ 2.000-2.500Kcalo/kg. Điều này sẽ giúp khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn than ở vùng mỏ Mạo Khê, cũng như tại các vùng mỏ khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Song ý nghĩa lớn hơn của các nhà máy này là mở một hướng đi mới cho việc phát triển các dự án nhiệt điện được xác định trong Quy hoạch điện VII. Quy hoạch điện VII xác định đến năm 2020 cần đầu tư khoảng 52 dự án nhiệt điện chạy than, công suất 36.000MW, chiếm 48% công suất nguồn điện toàn hệ thống, nhu cầu than khoảng 67,3 triệu tấn. Đến năm 2030, công suất các nhà máy nhiệt điện than sẽ tăng lên mức 75.748MW (chiếm 51,6% công suất điện toàn hệ thống). Nhu cầu than cũng tăng lên 171 triệu tấn, lớn hơn khả năng khai thác và trữ lượng than cám 5 tại nước ta. Trong khi đó, các nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn như Mạo Khê lại giúp tiêu thụ được loại than nhiệt lượng thấp, vốn chưa được sử dụng nhiều ở nước ta.
Ngoài ra, với ngành điện, việc sử dụng than nhiệt lượng thấp sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do giá bán loại nhiên liệu này thấp hơn so với than cám 5 đang được sử dụng phổ biến tại nhiều nhà máy nhiệt điện. Việc sử dụng loại than này cũng góp phần giúp nâng cao được giá trị hòn than, sử dụng nguồn than hiệu quảã. Đồng thời giảm áp lực với nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện bởi có thêm nguồn than trong nước sử dụng được. Sử dụng than nhiệt lượng thấp mang lại nhiều lợi ích, song trong 50 dự án được Quy hoạch điện VII xác định vẫn có nhiều dự án sử dụng than nhiệt lượng cao. Vậy nguyên nhân nào khiến nhà đầu tư vẫn lựa chọn loại nhiên liệu có giá thành cao hơn cho dự án nhiệt điện? Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Vinacomin Ngô Trí Thịnh cho rằng, chi phí đầu tư không là nguyên nhân khiến nhà đầu tư lựa chọn sử dụng than nhiệt lượng cao, bởi suất đầu tư cho công nghệ sử dụng hai loại than này tương đương nhau. Nhà đầu tư vẫn lựa chọn loại than nhiệt lượng cao được cho do thói quen, yêu cầu của đối tác, hoặc ngại thay đổi công nghệ, đòi hỏi nhiều kinh phí hơn... Đặc biệt, than cám 5 là nguồn nhiên liệu thông dụng và có nhiều ở vùng than Quảng Ninh.
Tuy nhiên, khi than xấu hơn vẫn có thể sản xuất ra điện, thì không thể tiếp tục sử dụng than tốt, giá thành cao. Để thay đổi thói quen sử dụng than nhiệt lượng cao không thể chờ vào sự thay đổi tư duy của nhà đầu tư, mà cần có chính sách bắt buộc phải áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành sản xuất điện… Cần chủ động nghiên cứu, khẳng định trữ lượng than xấu/tốt cho các ngành kinh tế, cũng như khả năng nhập khẩu và cung ứng cho sản xuất điện từ các nguồn than như thế nào.