Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH:
Tăng cường bố trí Trưởng, Phó Trưởng các Ban HĐND chuyên trách
2016 - 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND tỉnh triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ. Vì vậy, quá trình triển khai không tránh khỏi lúng túng. Từ thực tiễn hoạt động, HĐND tỉnh cũng đúc rút được nhiều bài học quý giá. Trong đó, phải luôn bám sát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo luật định; chủ động đề xuất, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với tất cả các lĩnh vực công tác của HĐND tỉnh. Đồng thời, quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu, các kỳ họp HĐND. Làm tốt công tác chuẩn bị và điều hành kỳ họp góp phần quan trọng để HĐND ban hành nghị quyết đúng, sát thực tiễn.
Về hoạt động giám sát của HĐND, để nâng cao hiệu quả thì việc lựa chọn nội dung, phạm vi, thời điểm giám sát phù hợp là yếu tố quan trọng. Các kiến nghị sau giám sát phải rõ, cụ thể, có lộ trình thực hiện và phải được đôn đốc, thực hiện. Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, ngoài tiếp xúc định kỳ, cần tăng cường tổ chức tiếp xúc chuyên đề theo ngành nghề, theo giới và các thành phần liên quan đến những vấn đề HĐND dự kiến sẽ thảo luận, quyết định. Kiến nghị của cử tri phải được tổng hợp đầy đủ gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được theo dõi, đôn đốc của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử làm đại biểu HĐND bảo đảm đủ tiêu chuẩn, có tâm, có tầm, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Bố trí đội ngũ Trưởng, Phó Trưởng các Ban của HĐND hoạt động chuyên trách là yếu tố quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh TRẦN CÔNG THẮNG:
Theo sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tại 1.415 điểm, với 109.862 lượt cử tri tham dự. Qua các buổi tiếp xúc, đã có 22.042 lượt ý kiến, kiến nghị được tập hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác TXCT làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, Ủy ban MTTQ các cấp cần chủ động phối hợp sớm với Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các cấp ngay từ khi xây dựng kế hoạch TXCT. Bên cạnh đó, cần chủ động chuẩn bị nội dung trong cuộc tiếp xúc; chủ động định hướng các nội dung cần thiết, quan trọng để cử tri có thể phát biểu tập trung, tránh việc cử tri phát biểu trùng lặp hoặc nêu các ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết.
Mặt khác, cần mở rộng hình thức TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng hoặc trực tiếp gặp gỡ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Chú trọng phối hợp giám sát việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, cần báo cáo với cử tri các ý kiến, kiến nghị đã được giải quyết. Với những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết thì tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh. Trong trường hợp cần thiết có thể đưa vào nội dung chất vấn, yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh giải trình ngay tại kỳ họp.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lạng Giang TẠ HUY CẦN:
Nâng cao chất lượng đại biểu
Theo dõi hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 có thể thấy, HĐND tỉnh đã tập trung thưc hiện tốt vai trò, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm kỳ mới, HĐND tỉnh cần quan tâm rà soát, đánh giá, lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, uy tín, kinh nghiệm, tâm huyết tham gia vào cơ quan dân cử địa phương. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đại biểu HĐND tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong đó, có các kỹ năng nghiên cứu, thẩm tra báo cáo, nghị quyết; kỹ năng giám sát; kỹ năng tiếp xúc cử tri; kỹ năng thảo luận, chất vấn... Hơn nữa, cần có cơ chế thuận lợi để các đại biểu HĐND phát huy hết khả năng, trách nhiệm của bản thân; nhất là cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu.
Đối với từng đại biểu, phải chủ động nghiên cứu, học hỏi, nâng cao kiến thức, nắm vững luật. Thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh; phát huy tinh thần trách nhiệm trước Thường trực HĐND, trước cử tri và Nhân dân... Làm tốt những công việc này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.