Sân khấu biểu diễn sẵn sàng sáng đèn trở lại

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 05:29 - Chia sẻ
Xây dựng các mô hình sân khấu hiện đại, linh hoạt, dàn dựng vở diễn, chương trình mới để phục vụ Nhân dân và du khách trong dịp Tết Nhâm Dần, các đơn vị nghệ thuật trong cả nước đang tích cực chuẩn bị để trở lại sau thời gian dài ngừng hoạt động.

Chủ động ứng phó với mọi tình huống

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, các kế hoạch, chương trình và lịch tập luyện, ghi hình của các nghệ sĩ đã và đang được Nhà hát tất bật chuẩn bị. "Theo thông lệ, các suất diễn nghệ thuật tuồng truyền thống vẫn được Nhà hát tập luyện để sẵn sàng biểu diễn vào tối thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần phục vụ khách du lịch tại khu vực phố cổ Hà Nội. Chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, triển khai các hoạt động để sân khấu ‘sáng đèn’ trở lại".

Trích đoạn "Mười hai con giáp" của Nhà hát Múa rối Việt Nam
Ảnh: Thúy Hiền

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, đây là thời điểm nghệ thuật biểu diễn cần có sự thay đổi tư duy, chủ động tìm cách đến với khán giả. Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã lên kế hoạch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa và các điểm du lịch trong dịp xuân mới. Đặc biệt, Nhà hát phối hợp với Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, tham gia gala Chào xuân Nhâm Dần 2022 giới thiệu tới khán giả cả nước màn trống hội và trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Các tích tuồng được nghệ sĩ thực hiện đan xen màn trình diễn phục trang, hóa trang nhân vật tuồng truyền thống và tuồng lịch sử trên nền nhạc trống hội và múa cờ, đưa khán giả tìm về giá trị của nghệ thuật tuồng và không khí lễ hội năm mới đầy sắc màu dân tộc. Song song đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn chuẩn bị đề án phục dựng và dàn dựng các tác phẩm chất lượng cao.

Đây là cách thức mà nhiều đơn vị nghệ thuật cũng đang duy trì trong giai đoạn dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại. Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, việc bền bỉ duy trì tập luyện, bắt tay sản xuất các chương trình có thời lượng ngắn gọn, linh hoạt, biểu diễn linh động tại nhiều địa điểm sẽ tạo cơ hội cho nghệ sĩ được biểu diễn, giúp các không gian nghệ thuật thêm đa dạng, phong phú, nhất là dịp Tết đến Xuân về.

“Đón chào năm mới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chuẩn bị kịch bản “Ngũ hổ đón xuân”, dự kiến ra mắt từ ngày 2.2 - 6.2.2022 (tức mồng 2 - 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Với ý nghĩa tiễn trâu nghênh hổ, chương trình lấy ý tưởng ngũ hành ứng với ngũ hổ, ca ngợi sức mạnh sinh khí ngũ hành đầu xuân, tạo tâm thế bình an đến mọi người, mọi nhà, mở đầu một năm khởi sắc”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Năm mới, kỳ vọng mới

Gần hai năm qua, sân khấu nghệ thuật gần như đóng băng. Song ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, so với khoảng thời gian cuối năm 2019, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn guồng quay ấy, nhịp nhàng, bận rộn tập luyện, biểu diễn. Có điều, họ ít được tương tác khán giả hơn, ít thấy bóng dáng khách du lịch quốc tế trong các suất diễn. Song, không vì điều đó mà nghệ sĩ thôi hy vọng.

Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã sẵn sàng cho vở rối “Câu chuyện những chiếc rìu” kết hợp cùng hai trò diễn “Lung linh khổng tước” và “Mười hai con giáp”. Nhà hát Cải lương Việt Nam hoàn chỉnh hai vở diễn trong dự án Huyền sử Việt là “Cây gậy thần” và “Thượng thiên thánh Mẫu”; cùng với đó các tác phẩm “Nguyễn cầm ca - Kiều”, “Nước non vạn dặm”. Sân khấu kịch Lệ Ngọc chuyển thể các tác phẩm văn học đỉnh cao với “Vụ án người đốt đền” (nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) và “Vang bóng một thời” (nhà văn Nguyễn Tuân). Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam… vẫn biểu diễn, ghi hình phát trên các nền tảng trực tuyến theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phục vụ mọi đối tượng khán giả.

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thực hiện các trò diễn, không chỉ múa rối, các nghệ sĩ nói chung đều muốn ghi dấu ấn với khán giả sau thời gian dài xa ánh đèn sân khấu, đồng thời mang đến hy vọng trong năm mới. Với cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, các tiết mục được chọn lọc biểu diễn mong muốn gửi lời chúc an khang, thịnh vượng tới khán giả, hướng người xem nhớ về cội nguồn, về nét đẹp văn hóa truyền thống.

Còn theo Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên, nghệ sĩ luôn mong muốn khơi gợi, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. “Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng tôi có thêm niềm tin vào tương lai phát triển của nghệ thuật biểu diễn, về sự thay đổi của văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật truyền thống. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các địa phương trong năm mới, tinh thần, nhiệt huyết của nghệ sĩ sẽ được nhân lên, tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn khởi sắc”.

Hương Sen