Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khi đi vào hoạt động (năm 2026), sân bay Long Thành dự kiến cần khoảng gần 14.000 lao động, trong đó có hơn 5.000 nhân lực có trình độ đại học và trên đại học, 2.000 người lao động phổ thông, còn lại là lao động sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề.
Nguồn lao động chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh dịch vụ, vận hành bay... Số lao động trên chưa bao gồm Cảng vụ, Hải quan, Công an cửa khẩu, kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm dịch động thực vật...
Ông Nguyễn Xuân Phong, Trưởng ban chuẩn bị khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành (ACV) cho biết, số lượng lao động trên dự kiến làm việc tại các doanh nghiệp như hãng hàng không Việt Nam; các hãng hàng không nước ngoài; các công ty phục vụ mặt đất; các công ty cung cấp xăng dầu hàng không; các công ty hàng hóa hàng không; các đơn vị cung cấp suất ăn hàng không; chi nhánh sân bay Long Thành; trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay; Tổng công ty Hàng không Việt Nam…
Đại diện ACV thông tin thêm, khi sân bay Long Thành vào vận hành, các chuyến bay trên 1.000km đa số sẽ ở Long Thành nên đào tạo nguồn lực cần quan tâm các ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sửa chữa máy bay. Cùng với đó, sẽ rất cần lao động chất lượng cao như công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý, điện...
Sân bay Long Thành dự kiến sẽ có công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến về đích năm 2026.