Cắt giảm năng lượng tái tạo vì quá tải hệ thống:

Rủi ro nhà đầu tư "lĩnh hết"?

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:39 - Chia sẻ
Dư thừa năng lượng tái tạo buộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm nguồn năng lượng này để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, điều này đồng nghĩa đang đổ hết rủi ro lên nhà đầu tư.

Bắt buộc phải cắt giảm 

Mới đây, Bộ Công thương ban hành Quyết định 2093 phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Giám đốc Phát triển dự án Công ty CP Tập đoàn Điện năng lượng tái tạo Việt Nam Đặng Xuân Quỳnh cho biết, doanh nghiệp này được lựa chọn thí điểm, bán điện trực tiếp cho các nhà máy trong vùng, EVN chỉ làm vai trò trung chuyển. Như vậy, khái niệm “quá tải cục bộ” hầu như không còn. Tuy nhiên, ông Quỳnh thừa nhận “quy mô phải đủ lớn mới làm được điều này, nếu nhỏ, chỉ vài MW hoặc vài chục MW sẽ khó vì bài toán kinh tế và vẫn buộc phải phát lên lưới điện”.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I, cả nước huy động 7,79 tỷ kWh năng lượng tái tạo, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm 2020; riêng điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh.

EVN chỉ rõ, tập đoàn đã gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, đó là: các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô; tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy...

Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải bảo đảm có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây. “Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để bảo đảm an toàn cung cấp điện”, EVN khẳng định.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) nhận định, trong thời gian tới, hiện tượng thừa nguồn, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện. Đáng lưu ý là giai đoạn tháng 7 - 9 (miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ của các hồ thủy điện), sản lượng điện tiết giảm dự kiến khoảng 180 triệu kWh/tháng; giai đoạn tháng 10 - 12 (các nguồn điện gió vào vận hành đủ theo quy hoạch, đồng thời đang trong giai đoạn mùa lũ miền Trung và miền Nam), lượng tiết giảm có khả năng lên đến 350 - 400 triệu kWh/tháng.

“Doanh nghiệp cần minh bạch”

Trước thông tin này, đại diện doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo “đứng ngồi không yên”.

Giám đốc Công ty CP Solartech Phan Đình Nam cho biết, doanh nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất gần 20MW. “Trước khi quyết định đầu tư, trong bài toán kinh tế, chúng tôi đã dự trù yếu tố hạ tầng đường truyền, quá tải công suất và đã trừ hao khoảng 10%. Tuy vậy, từ Tết đến nay, chúng tôi liên tục phải cắt giảm 20 - 50% công suất tùy từng thời điểm, buộc doanh nghiệp phải bù lỗ bằng các khoản đầu tư khác để trả nợ cho ngân hàng. Bài toán tài chính bị phá vỡ hoàn toàn”, ông Nam thở dài.

Lắp đặt điện mặt trời tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu  

Ảnh: Đan Thanh 

“Việc đổ cho hệ thống quá tải nên cắt giảm nguồn từ năng lượng tái tạo là đang đổ hết rủi ro lên nhà đầu tư”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam Mai Duy Thiện nhìn nhận. Bởi lẽ, các dự án năng lượng tái tạo không phải cứ thích là triển khai được mà phải trải qua quy trình thủ tục chặt chẽ, ký hợp đồng mua bán điện với EVN, đồng nghĩa tính pháp lý rất cao. Ông Thiện nêu rõ, trước đây bảo do dịch Covid-19 khiến sản xuất bị ngưng trệ, sản lượng điện dư thừa phải giảm nguồn năng lượng tái tạo là bất khả kháng. Bây giờ vẫn cho rằng do nguồn cung vượt quá khả năng truyền tải nên phải cắt giảm năng lượng tái tạo là khó chấp nhận. Do vậy, “Bộ Công thương cần chỉ đạo EVN có cách giải quyết thay vì đổ hết rủi ro lên nhà đầu tư”.

Tỏ ra "thông cảm" cho EVN vì hệ thống bị quá tải không thể tiếp nhận nguồn từ năng lượng tái tạo, song Giám đốc Công ty CP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam Trần Văn Nhơn cho rằng cần mổ xẻ rõ nguyên nhân. Bởi khi cấp phép một dự án năng lượng tái tạo cần tính đến cả hệ thống truyền tải. Vậy trách nhiệm của những người phê duyệt dự án năng lượng tái tạo ở đâu? Trong khi thế giới đang phát triển năng lượng tái tạo, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng ưu tiên nguồn năng lượng này mà bây giờ chúng ta phải cắt giảm là đang đi ngược lại, gây lãng phí nguồn lực. Nếu không có cách giải quyết hợp lý sẽ khó thu hút nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Để hạn chế cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo, Giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng Lê Anh Vũ đề xuất, EVN phải điều tiết các nguồn huy động với giải pháp tối ưu hơn, giảm công suất dự phòng trên nguồn năng lượng tái tạo, tăng dự phòng ở các nguồn hóa thạch, khí, thủy điện; bổ sung thêm công nghệ lưu trữ và thủy điện tích năng để điều tiết nguồn điện phù hợp. Bên cạnh đó, cần khuyến khích chính sách đầu tư các khu công nghiệp gần nguồn năng lượng tái tạo để giải tỏa công suất như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, mua điện trực tiếp từ nguồn năng lượng tái tạo.

Đặt vấn đề “EVN lý giải do quá tải lưới điện buộc phải cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo nhưng tại sao vẫn cho phép dự án lên tới hàng trăm MW hòa lưới điện, điển hình là dự án điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định) mới đây”?, ông Phan Đình Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cần minh bạch trong vấn đề truyền tải cũng như cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo”. Bởi lẽ, theo đại diện doanh nghiệp này, EVN đã chấp thuận dự án năng lượng tái tạo rồi thì phải xây dựng cơ sở truyền tải cho phù hợp chứ không thể đổ cho quá tải. Thêm nữa, EVN cũng cần sớm tách bạch điện mặt trời mái nhà với dự án chuyên năng lượng tái tạo để bán, trình Bộ Công thương xem xét mức giá cụ thể cho từng loại hình.

Đan Thanh