Từ “vô danh”, “vô tiếng”
Tương truyền người xưa để lại rối nước Đồng Ngư có từ thời Lý, với niên đại cả ngàn năm. Trước đây mỗi khi phường đem rối nước đi biểu diễn phục vụ nơi khác, địa phương sở tại phải cấp hàng trăm cây tre để dựng nhà trò, rất tốn công và phiền phức. Trong kháng chiến, lực lượng diễn viên giỏi nghề ra trận lớp này đến lớp khác nên phường rối không còn hoạt động được. Con rối được cụ trùm phường cất vào nhà kho chờ đến mục nát chưa thấy có người về biểu diễn. Làng nghề tuy vẫn âm thầm giữ được nhưng người dân không khỏi trăn trở vì không có đất diễn. Rối nước Đồng Ngư chủ yếu biểu diễn theo chương trình bảo tồn của Bảo tàng Dân tộc học, hoặc vào các dịp lễ hội của làng, mỗi năm chỉ diễn được 5-6 lần.
Nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp. Anh em diễn viên chán nản bỏ nghề rất nhiều. Lúc đó, chưa có thương hiệu nên không mấy ai biết đến rối nước Đồng Ngư. Đó là lý do khiến cho rối nước Đồng Ngư khó phát triển và khó có thu nhập từ nghệ thuật biểu diễn.
Đến công ty biểu diễn múa rối
Năm 2000, mặc dù tuổi còn trẻ, anh Nguyễn Thành Lai (sinh năm 1971) vẫn được tin cậy bầu làm trùm phó. Khi cụ Nguyễn Thanh Trãi, trùm phường qua đời, anh được bầu làm trùm phường thay cụ. Phường thiếu phương tiện loa đài, anh tự mua sắm, vừa để nhà dùng vừa để giúp phường mỗi khi đi biểu diễn. Lúc này tiếng vang phường rối nước Đồng Ngư đã được nhiều cơ sở kinh doanh du lịch biết đến, muốn liên kết hoạt động. Nhưng cơ cấu tổ chức của phường không mang tính chuyên nghiệp, mà chỉ là những người nông dân yêu thích văn nghệ nên khó có thể tổ chức đi hoạt động lâu dài xa làng quê. Lúc đó Nguyễn Thành Lai đã suy tính đến việc chuyên nghiệp hóa. Một mặt anh vẫn duy trì phường hoạt động theo mô hình cũ là bảo tồn nghệ thuật gốc, một mặt anh mở công ty biểu diễn chuyên nghiệp để phát triển nghệ thuật truyền thống. Đầu tháng 3.2010 vừa qua, phường đã được Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, do anh làm giám đốc. Theo đăng ký, anh kết hợp hoạt động biểu diễn rối nước và các loại hình nghệ thuật dân gian; Đào tạo truyền nghề; Sản xuất, mua bán hàng thủ công mỹ nghệ; Dịch vụ dàn dựng, thiết kế sân khấu; Cho thuê con rối…
Đoàn đã đăng ký giấy phép hoạt động biểu diễn phục vụ trên phạm vi toàn quốc. Nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người dân, đoàn đã liên kết với các đơn vị du lịch để đưa du khách về tận địa phương. Đối tượng chủ yếu vẫn là khách du lịch và trẻ em tham gia hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra đoàn còn nhận phục vụ trong lễ hội, hội nghị ở các địa phương, kể cả vùng sâu vùng xa. Ngoài việc đầu tư xây dựng thủy đình, cơ sở vật chất, con rối không thể không nói tới sự năng động của con người Đồng Ngư. Từ năm 2009 phường rối đã có sự chuyển giao thế hệ về nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp và trẻ hóa. Nhiều bạn trẻ ở đây được đào tạo về rối nước do quỹ Ford tài trợ, nay đã được tin tưởng giao những nhiệm vụ quan trọng. Hiện tại đoàn có 18 diễn viên, hầu hết dưới 40 tuổi, đã đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Nét độc đáo của rối nước Đồng Ngư là hát quan họ trong các tích trò. Hiện tại đoàn có 5 cộng tác viên là các nghệ sỹ hát quan họ của huyện. Trong số 15 tích trò, hai tiết mục đặc sắc nhất, tạo nên nét độc đáo của rối nước Đồng Ngư là “Hái cau mời trầu” và “Quan họ giã bạn”. Đặc biệt Đồng Ngư đã phục dựng thành công kỹ thuật múa bằng dây, hiện tại không nơi đâu có.
Anh Lai cho biết thêm: Đoàn đã cách tân cách diễn trong các tích trò, sáng tác nhiều tiết mục mới, trong đó có tiết mục: Hội quê Kinh Bắc, thâu tóm một số lễ hội truyền thống đặc sắc của quê hương. Trong Festival Bắc Ninh vừa qua, phường rối nước Đồng Ngư tham gia biểu diễn đã bước đầu triển khai ao nổi, nhà trò khung thép đạt kết quả tốt. Dù còn nhiều khó khăn như: phải thuê phương tiện chuyên chở, sân khấu lưu động, chưa có dàn âm thanh hay nơi bảo quản con rối… Nhưng với công sức và nhiệt huyết của mình, rối nước Đồng Ngư đang thực sự chuyển mình trên con đường bảo tồn, phát triển nét văn hóa truyền thống của dân tộc.