Thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Bày tỏ đồng tình với việc cần thiết xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ĐBQH tỉnh An Giang, Bắc Giang, Gia Lai cho rằng: kết quả tổng kết thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập.
Do vậy, việc ban hành luật cần thiết nhằm thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật liên quan, kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, bổ sung những nội dung mới để giải quyết những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Ghi nhận hồ sơ Dự án Luật đã đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến, song ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đề nghị, cơ quan soạn thảo nên tách công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh thành các chương riêng. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định làm sao vừa thu hút được nguồn lực, vừa tránh dàn trải và có quy định trong dự thảo luật- đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị.
ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, hồ sơ dự án Luật chưa đánh giá tác động của các chính sách đầy đủ, nhất là tác động đến ngân sách Nhà nước. Dự thảo Luật có sự phân tách lớn giữa quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và an ninh của Bộ Công an quản lý, do đó cơ quan soạn thảo cần thiết kế lại để bảo đảm tính logic, cũng như rà soát lại để giảm tối đa số điều, khoản giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Một số đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để các doanh nghiệp dân sự tham gia sâu hơn vào động viên quốc phòng; có cơ chế pháp lý bảo đảm bảo hộ, sở hữu trí tuệ liên quan đến công nghệ quốc phòng; nghiên cứu thêm các chế độ ưu đãi với các chuyên gia, tổng công trình sư nghiên cứu về công nghiệp quốc phòng.
Tại điểm 1 khoản 2, Điều 1 Dự thảo Luật quy định, dự toán ngân sách Nhà nước trung hạn, hàng năm ưu tiên cho thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất quốc phòng, an ninh và các sản phẩm khác phục vụ quốc phòng, an mình của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh.
Dẫn quy định này, ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng: việc sử dụng cụm từ “hàng năm” trong trường hợp này chưa phù hợp. Vì "hàng giờ/ngày/tuần/tháng/quý/năm" có nghĩa là nhiều giờ ngày/tuần/tháng/quý/năm, nhưng không xác định được là bao nhiêu. Trong khi đó, dự toán ngân sách nhà nước phải làm thường xuyên, lặp đi lặp lại vào một thời điểm cố định. Do đó, trong trường hợp này đề nghị chỉnh sửa từ “hàng năm” thành “hằng năm” cho đúng nghĩa. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh sửa phù hợp các từ "hàng năm", "hằng năm” trong toàn dự thảo.
ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị, nhà nước cần có chính sách quản lý, bảo đảm để không bị mất những bí quyết công nghệ quan trọng về quốc phòng an ninh. Theo đó, dự án luật cần cần quy định rõ trong luật về nội dung này.
Thời gian nộp tiền trúng đấu giá quá dài ảnh hưởng đến nhiều công tác khác
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các ĐBQH cho rằng, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: chất lượng của đội ngũ đấu giá viên cũng như công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế; tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ngày càng phức tạp... Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là cần thiết và cấp bách.
Theo các ĐBQH, thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo… Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng: quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá bảo đảm khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự, hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.
Ghi nhận quy định mới này tại dự thảo Luật, song các đại biểu cũng đề nghị: cần quy định hướng dẫn phải làm gì, hoãn hay dừng phiên đấu giá để phân tích, đánh giá tình hình hay không khi hành vi của các chủ thể trong diễn biến của các phiên đấu giá đã cho thấy sự không bình thường, hoặc quá vô lý.
Về vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Lâm nêu thực trạng hiện nay, giao dịch đất đai trong nền kinh tế đất nước ta có hiện tượng giá ảo, thổi giá, dẫn đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng đội lên không sát thực tiễn… Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ giúp giảm những hiện tượng tiêu cực này.
Liên quan đến thời gian nộp tiền trúng đấu giá, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị, nên quy định thời gian tối thiểu, còn thời gian cụ thể nên giao cho các chủ tài sản tự quyết định thời gian nộp tiền. Đại biểu cũng lưu ý, quy định thời gian nộp tiền trúng đấu giá quá dài sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành ngân sách của các địa phương, tạo ra giá ảo các giao dịch trên thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh nghiệm cho thấy, nếu quy định đối với từng loại tài sản, chủ tài sản được quyền chọn hình thức đấu giá phù hợp thì có thể thu về kết quả đấu giá tối ưu nhất. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần khảo sát và quy định kỹ hơn trong luật về nội dung này; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định ràng buộc với trường hợp người tham gia đấu giá quá số tài sản mà đã nộp tiền đặt cọc.
Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Văn Thái (Bắc Giang) cho rằng, thời gian nộp tiền trúng đấu giá quá dài sẽ gây rủi ro cho cả người có tài sản và người trúng đấu giá, gây khó khăn cho việc điều hành ngân sách của chính quyền địa phương. Do vậy, cần giao cho người có tài sản quyết định trong phương án đưa tài sản ra đấu giá.
Liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung tại một số điều, khoản nhằm bảo đảm tất cả cá nhân muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá cũng sẽ giúp bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12.52020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Một số ý kiến đề nghị, cần đánh giá tác động của việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp, bởi nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản.
Các đại biểu Siu Hương (Gia Lai), Châu Chắc (An Giang)… cho rằng, đấu giá viên đều phải được cấp chứng chỉ đào tạo để bảo đảm chất lượng hoạt động, nhưng cũng cần nghiên cứu việc giao Bộ Tư pháp quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Đại biểu Siu Hương cho rằng, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với đấu giá viên do Bộ Tư pháp thực hiện theo quy định của dự thảo Luật có nguy cơ chồng chéo với việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên thực hiện theo Luật hiện hành.