Quy định cụ thể trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để thuận lợi, khả thi trong tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 1 điều quy định về áp dụng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó quy định cụ thể việc áp dụng những nội dung khác so với các luật hiện hành như Điều 2 dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nêu rõ hiện nay, Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, tuy nhiên các văn bản này không áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất quốc phòng, an ninh; mặt khác, sản phẩm, dịch vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh không phải là sản phẩm, dịch vụ công mà là sản phẩm đặc thù, nhất là các sản phẩm như vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Trên thực tế, Chính phủ đang giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về việc giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý, cơ sở công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý, Đồng thời, tách Điều 12 và Điều 13 dự thảo luật Chính phủ trình thành 3 điều, quy định cụ thể các trường hợp giao nhiệm vụ, các trường hợp đặt hàng để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về động viên công nghiệp, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng, nội dung khảo sát năng lực doanh nghiệp; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp; hướng dẫn khảo sát năng lực của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch, quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp phù hợp với từng giai đoạn trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp, với từng loại hình doanh nghiệp…
Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng làm rõ các nội dung về tổ hợp công nghiệp quốc phòng; nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 20); hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21); tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng, tổ chức và hoạt động công nghiệp an ninh (Mục 5, Mục 6 Chương II); chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh…
Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật gồm 7 chương, 85 điều, tăng 12 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ Sáu, đồng thời bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định tại nhiều điều khoản, bảo đảm sự thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành.
Tán thành với các quy định về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh tại Chương IV dự thảo, các ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Đặng Văn Lẫm (TP. Hồ Chí Minh), Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)... ghi nhận, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp này đã đề xuất, bổ sung nhiều chính sách đặc thù vượt trội về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, như cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Theo đó, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là doanh nghiệp được hưởng những chính sách vượt trội so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp Điều 13, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh không bảo đảm đủ lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân, công an… Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai lưu ý, trong quá trình triển khai, thi hành luật cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để tránh lợi dụng chính sách.
Dẫn ra một số quy định về chính sách với tổ hợp công nghiệp quốc phòng tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, các quy định tại dự thảo Luật bước đầu tạo nên khung hành lang pháp lý để xây dựng hoàn thiện về thể chế cho loại hình này, góp phần thúc đẩy sự hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai.
Để hoàn thiện quy định về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị tại khoản 2 Điều 41 quy định về nhóm chức năng, nhiệm vụ của tổ hợp công nghiệp quốc phòng cần quy định cụ thể theo hướng nêu rõ các tổ hợp này được nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo điều kiện trong quá trình liên kết, hợp tác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong quá trình triển khai thực hiện.
Bày tỏ nhất trí cao với quy định về mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia động viên công nghiệp, các giải pháp triển khai thực hiện tại dự thảo Luật, đại biểu Đặng Văn Lẫm đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung vào điều kiện cụ thể trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa cao nhất chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm khai thác thế mạnh của từng vùng, từng miền, từng địa phương để thực hiện động viên công nghiệp gắn với thế bố trí chiến lược và khu vực phòng thủ; có chế tài huy động hiệu quả các doanh nghiệp, có tình huống quốc phòng và trong chiến tranh xảy ra...