Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp:

Cần thiết có chính sách thúc đẩy phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng

- Chủ Nhật, 31/03/2024, 13:29 - Chia sẻ

Tán thành việc bổ sung quy định về “Tổ hợp quốc phòng” trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đây là nhóm chế định hết sức đặc biệt bởi nếu chỉ phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, riêng biệt thì không thể làm chủ được các công nghệ tiên tiến, công nghệ nền, công nghệ lõi.

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng không hình thành pháp nhân

Theo Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26.1.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; ý kiến khác đề nghị thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp công nghiệp quốc phòng trước khi quy định trong Luật.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với cơ quan soạn thảo xây dựng 2 phương án. Theo đó, Phương án 1: Bổ sung 1 mục (Mục 7 - Chương II) quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” gồm có 5 điều (từ Điều 39 đến Điều 43) như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Quy định này thể chế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TW. Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhưng phương thức, cách thức liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm quốc phòng đã hình thành từ nhiều năm qua và được quy định ở nhiều văn bản. Với tính chất của các vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi phải có sự tham gia, liên kết của số lượng lớn các cơ sở để nghiên cứu, sản xuất các vật tư, linh kiện, bán thành phẩm của sản phẩm quốc phòng. Kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại đều có mô hình Tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Phương án 2: Giao Chính phủ thực hiện thí điểm mô hình Tổ hợp công nghiệp quốc phòng để triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm thận trọng và có kiểm nghiệm thực tiễn trước khi quy định trong Luật. Nội dung này sẽ được chuẩn bị để đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với cơ quan soạn thảo dự án Luật lựa chọn phương án 1, quy định có tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng không hình thành pháp nhân, không phải là tập đoàn mà được xác định là hệ thống liên kết, hợp tác để thực hiện các nhiệm vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Phương án này vừa bảo đảm cơ sở pháp lý vừa bảo đảm thận trọng.

Nhóm chế định đặc biệt, có vai trò, vị trí then chốt

Tán thành với phương án 1, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, đây là nhóm chế định hết sức đặc biệt. Nội hàm từ Điều 39 đến Điều 43 cũng đã quy định theo hướng xác định khung nguyên tắc các nội dung và chức năng, nhiệm vụ của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng; thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; điều kiện, cơ chế, chính sách và trách nhiệm của cơ sở công nghiệp quốc phòng là nòng cốt và hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng; chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhằm đáp đứng được yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đến năm 2030.

Theo ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), công nghiệp quốc phòng có vị trí vô cùng quan trọng, mục tiêu hàng đầu xây dựng và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng là nghiên cứu phát triển và chế tạo vũ khí, trang thiết bị để trang bị cho quân đội, an ninh; đồng thời, tham gia sản xuất các mặt hàng dân dụng phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Các dây chuyền sản xuất có thể linh hoạt, chuyển hóa để vừa phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế, vừa có khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu quốc phòng trong thời chiến. “Do đó, khi được quy định vào luật, ngân sách dành cho việc nghiên cứu và phát triển sẽ được tăng lên. Đây là nguồn gốc sản sinh công nghệ mới, có vai trò và vị trí then chốt, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong thời kỳ mới”, đại biểu nói.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo, và sản xuất các sản phẩm phục vụ cho quốc phòng là hết sức cần thiết, nhất là trong việc làm chủ các công nghệ nền, công nghệ lõi trong sản xuất các thiết bị hiện đại phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc. Nếu chỉ phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, riêng biệt thì không thể làm chủ được các công nghệ tiên tiến, công nghệ nền, công nghệ lõi. Chính vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia khẳng định, cần phải có các chính sách vừa để làm chủ các công nghệ tiên tiến, vừa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và các cơ sở công nghiệp quân sự chủ chốt, bên cạnh đó huy động được các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài quân đội cùng tham gia công nghiệp phụ trợ. Có như thế mới sản xuất được các loại phương tiện, vũ khí kỹ thuật hiện đại.

Để hoàn thiện hơn các quy định về vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cần quan tâm đến cơ chế quy định chính sách phù hợp kèm theo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đạt hiệu quả theo hướng tiếp tục xem xét, bổ sung nội dung các vấn đề về phát triển, đầu tư cho khoa học, công nghiệp quốc phòng. Điều này không chỉ cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng mà còn nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc, những nội dung quy định tại các luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu và các luật khác, trong khi dự thảo Luật này chưa thể hiện được.

Bên cạnh đó, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề lớn của đất nước liên quan đến toàn dân. Do vậy, một số đại biểu kiến nghị bổ sung định kỳ 2 năm 1 lần hoặc khi cần thiết Chính phủ tổ chức sơ kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để báo cáo Quốc hội cũng như UBND cấp tỉnh phải báo cáo HĐND cùng cấp.

Minh Trang
#