Tản mạn

Ra biển

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:49 - Chia sẻ
Một huấn luyện viên giỏi có thể giúp Việt Nam đạt được những thành tựu tốt nhất có thể, với khả năng của cầu thủ Việt Nam chứ không thể biến những cầu thủ loại trung bình thành ngôi sao châu lục.

1. Huấn luyện viên Park có thể dẫn dắt tuyển Việt Nam giành Huy chương vàng Sea Games hay cạnh tranh ở ASIAD nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy có thể ngay lập tức đưa Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup. Bởi vì trong khi Hàn Quốc có Son, Ji Sung Park, Hwang Hee Chan, Lee Jae Sung, Hwang Ui Jo…; Nhật Bản có Hideo Tanaka, Minamino, Tomiyasu, Yoshida, Okugawa, Mizuta, Endo… thì Việt Nam chưa từng có lấy nổi một cầu thủ ở đẳng cấp thế giới. 

Một huấn luyện viên giỏi có thể giúp Việt Nam đạt được những thành tựu tốt nhất có thể, với khả năng của cầu thủ Việt Nam chứ không thể biến những cầu thủ loại trung bình thành ngôi sao châu lục. Cho đến cuối cùng, chạy trên sân vẫn là cầu thủ Việt Nam, thế thì ta phải nhìn vào sự thật ấy để cải thiện trình độ của cầu thủ; với lưu ý rằng thế hệ hiện nay có vẻ là thế hệ tốt nhất mà chúng ta từng có được. 

Cải thiện thể hình và khoa học thể thao là con đường duy nhất của thể thao hiện đại. Trong một thập niên qua, chiều cao trung bình của nam giới Trung Quốc tăng lên hơn 9cm còn Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3.5cm.

Nếu ta xem bóng đá thế giới rồi sau đó xem tuyển nhà chơi, vẫn rất yêu, rất cuồng nhiệt và mê say nhưng hãy thành thật ở một điểm là họ dường như đang chơi hai môn thể thao khác nhau.

2. Việc doanh nhân Việt mới đây tài trợ cho một ngôi trường của Anh rồi được trường vinh danh bằng việc đổi tên trường theo tên của doanh nhân đã gây tranh cãi kha khá cho các cư dân mạng.

Thường thì các trường sẽ giữ nguyên tên của nhà sáng lập (không nhất thiết là chủ trường, có thể là nhà khoa học nào đó hoặc lấy theo tên nhà hoạt động nhân văn đa ngành - như trường hợp của Thomas Linacre) vì nó có liên quan tới bản sắc và danh tiếng của trường trong quá khứ và tương lai. Nó có thể cũng là để trân trọng lịch sử của trường. 

Có nhiều cách để tri ân nhà tài trợ. Ví dụ như trường hợp Rolex tài trợ qua gói tư nhân vào EPFL Lausanne thì họ xây một cái trung tâm R&D mới cho trường và đặt tên là Rolex Learning Center. Tòa này thuê hẳn Kazuyo Sejima thiết kế (năm đó mới thắng giải Priztker), xây xong không chỉ nổi tiếng toàn thế giới mà cái tên “Rolex Center” còn nổi hơn cả EPFL. Với chi phí xây dựng hơn 100 triệu euro, nó làm việc như trung tâm R&D, thư viện, trung tâm hội nghị… và là nơi từng diễn ra những sự kiện quan trọng cấp quốc tế như hội nghị về vấn đề cắt giảm chương trình hạt nhân của Iran hồi năm 2015. 

Tất nhiên là khó để so sánh một đại học danh tiếng như EPFL với một trường cao đẳng nhỏ. Tuy vậy, có rất nhiều cách để tạo dựng thương hiệu và PR tên tuổi cá nhân mà không nhất thiết phải dẫn tới việc đổi tên một ngôi trường 60 năm tuổi. Đổi tên thì đúng là rất đáng để tự hào nhưng đối với các môi trường học tập thì nó cũng có thể có cách nhẹ nhõm hơn chăng?

Lê Quang (từ Berlin)