Nhiệm vụ khó khăn
Tháng 1 năm nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu “phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường”. Một trong những giải pháp để đạt mục tiêu này là “tăng cường thuốc bảo vệ thực vật sinh học”.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, để xây dựng một nền nông nghiệp trách nhiệm, phát triển bền vững, giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là yêu cầu bắt buộc.
Từ vài năm trước, Cục Bảo vệ thực vật đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, số sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học nằm trong cơ cấu sản phẩm thuốc là 30% và tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phải đạt 20% so với tổng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hàng năm.
Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hàng năm trên 15.000 tấn, chiếm 15% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng có 39 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chiếm 9,94%. Tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nước ta hiện đạt hơn 10%.
Đây là bước chuyển biến đáng kể sau những nỗ lực của ngành bảo vệ thực vật. Tuy vậy, so với đích đến thì khoảng cách còn khá xa trong khi quỹ thời gian không nhiều, việc phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học không đơn giản và thay đổi thói quen của nông dân không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều.
Gỡ khó cả khâu sản xuất và sử dụng
Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, một chiến lược bài bản, toàn diện đã được ngành bảo vệ thực vật xây dựng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Một mặt, ngành tập trung gỡ khó ở khâu sản xuất, bởi lẽ muốn có thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đáp ứng yêu cầu hiện nay, phải có những sửa đổi, có quy định khuyến khích đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đăng ký và sớm đưa ra kinh doanh. Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc bảo vệ thực vật sinh học nói riêng. Từ đó, xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích đăng ký, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp tăng cường thuốc bảo vệ sinh học. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với Mỹ, Nhật, Hà Lan, đây là các nước nổi trội về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hoặc là dùng các tác nhân sinh học dưới dạng chế phẩm sinh học. Cục khuyến khích doanh nghiệp nhập, lấy mẫu về khảo nghiệm, Cục sẽ tạo mọi điều kiện nhanh nhất từ khảo nghiệm, đánh giá, công nhận, đưa vào danh mục và cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng để các doanh nghiệp có được bộ sản phẩm đầy đủ phục vụ sản xuất”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung chia sẻ với báo chí.
Mặt khác, ngành bảo vệ thực vật tập trung “khơi thông” khâu sử dụng. Cho đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết hợp tác với 12 doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật triển khai chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”.
Các doanh nghiệp cam kết xây dựng gần 120 mô hình trình diễn thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng với 9 nhóm cây trồng chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổng diện tích mô hình trình diễn và ứng dụng khoảng từ 200.000 - 250.000ha. Cũng trong giai đoạn này, các doanh nghiệp sẽ tập huấn cho hơn 400.000 nông dân; 15.000 đại lý về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.
Cho đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ví dụ mô hình “Sức mạnh sinh học trên lúa” (giống lúa OM 5451); mô hình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học là các Polyphenol chiết xuất từ than bùn, lá, vỏ thân cây xoài, cây núc nác, cây liễu, cây hoa hoè, cây vải... ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ; mô hình sử dụng thuốc hữu cơ sinh học Amtech 100EW ở huyện Châu Thành, Long An... Kết quả tích cực bước đầu tại các mô hình này là minh chứng sống động cho sức mạnh sinh học trên đồng ruộng.
Song song với từng mô hình trình diễn là các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho người nông dân và các đại lý về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. “Điều này rất quan trọng, bởi nếu không thay đổi được nhận thức của người nông dân và các đại lý bán hàng, dù cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp có cố gắng đến mấy thì các mô hình vẫn chắc chắn thất bại”, Cục trưởng Hoàng Trung nói.