Cử tri NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI, thành phố Nam Định, Nam Định: Quyết sách kịp thời bảo vệ thế hệ tương lai
Qua theo dõi hoạt động Quốc hội trong năm 2024, tôi đặc biệt quan tâm đến một số chính sách đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV vừa qua. Đó là, Nghị quyết số 173/2024/QH15 chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười. Trong đó, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Tôi cho rằng đây là một quyết sách đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa đối với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần tạo một môi trường sống lành mạnh, bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những nguy cơ nghiêm trọng do thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện gây ra. Qua tìm hiểu cũng như khuyến cáo của các bác sĩ đối với thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cho thấy, việc sử dụng thuốc lá không chỉ làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu; gây bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, mà còn ảnh hưởng tiêu cực và để lại nhiều hệ lụy tới thế hệ trẻ...
Là một người mẹ có con đã từng sử dụng thuốc lá điện tử, tôi rất vui mừng khi chính sách này được thông qua. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là một quyết sách kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đến kiến nghị của người dân đối với những vấn đề bức thiết của xã hội. Mong rằng, Quốc hội ngày càng đổi mới mạnh mẽ, quan tâm nhiều hơn nữa đến ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Qua đó, đồng hành với Chính phủ xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Cử tri HỒ NGỌC HIỆP, Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành, Thanh Hóa: Giảm áp lực tài chính cho người dân khi khám, chữa bệnh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua với rất nhiều điểm mới hướng đến bảo đảm lợi ích thiết thực cho người bệnh, đặc biệt là quy định về thông tuyến khám chữa bệnh, tăng thêm danh mục thuốc cho BHYT, người dân không may mắc những bệnh hiểm nghèo sẽ được đi thẳng tới các bệnh viện có danh mục của Bộ Y tế về bệnh hiểm nghèo. Đây là một trong những quy định được người dân mong chờ từ rất lâu và việc Quốc hội thông qua luật này rất đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
Thực tế trước đây, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến. Có trường hợp người bị bệnh nặng đi khám ở Hà Nội nhưng bị yêu cầu quay ngược hơn 200km về quê nhà để xin giấy chuyển tuyến, gây phiền hà về mặt thủ tục và mệt mỏi cho người nhà bệnh nhân, tốn kém tiền của, nhất là đối với những gia đình khó khăn. Hiện nay, Luật BHYT đã cho phép người có Thẻ BHYT mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành; đồng thời, vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh. Quy định này sẽ giúp giảm một phần áp lực tài chính cho người dân khi đi khám chữa bệnh.
Một điểm nữa tôi cho rằng rất đổi mới đó là Luật BHYT sửa đổi bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế. Luật quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này. Ví dụ bệnh nhân điều trị ở các tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức hay Bạch Mai, không thể chuyển tuyến đi đâu nữa. Khi các cơ sở này thiếu một số loại thuốc thì cần phải điều chuyển thuốc từ các bệnh viện khác về đây điều trị cho bệnh nhân.
Là người đang công tác trong ngành y tế, tôi đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật BHYT, đã thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại về việc người bệnh sẽ vượt tuyến khi chưa thực sự cần thiết gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Do đó, tôi cho rằng, Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi và tốn thời gian, chi phí đi lại.
Cử tri TRẦN PHƯƠNG THẢO, thành phố Tuyên Quang, Tuyên Quang: Quyết sách kịp thời, nhân văn
Một trong những quyết sách an sinh xã hội vô cùng ý nghĩa đã được Quốc hội xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV vừa qua, đó là cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được thực hiện trong nhiều năm qua, trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung đa dạng các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và đón nhận sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các bộ, ngành; sự chung tay đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân… Đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính các hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống, phấn đấu đến cuối năm 2025 cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước… Tuy nhiên, theo rà soát, hiện vẫn còn khoảng 400.000 căn nhà nhà dột nát, chưa đảm bảo "3 cứng" hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Giải quyết vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đề xuất của Chính phủ nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các ĐBQH.
Quyết sách này của Quốc hội giúp Chính phủ và các địa phương có thêm nguồn lực quan trọng tập trung hiện thực hóa mục tiêu cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là việc làm mang tính nhân văn cao cả, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mong rằng thời gian tới, Quốc hội sẽ có những quyết sách tương tự, kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.