Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chủ động và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều điểm sáng đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng có mức đạt thấp như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) còn thấp; tiến độ triển khai các dự án còn chậm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 12%, khó đạt mục tiêu cả năm đề ra.
Một số đại biểu đánh giá, thực tế, tại các địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm và gặp vướng mắc nhiều năm qua nhưng đến nay chưa có biện pháp căn cơ. Một phần nguyên nhân là khi rà soát danh mục đưa vào đầu tư còn vội vàng, chưa tính đến quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp do hiện nay mới ở bước chuẩn bị đầu tư, sau khi xong mới triển khai đến đấu thầu xây lắp.
UBND tỉnh cần phân tích, làm rõ những nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, từ đó xác định những biện pháp, giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong giai đoạn tiếp theo. Quan tâm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát đối tượng thụ hưởng chương trình. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, gắn trách nhiệm giải ngân với người đứng đầu các ngành, đơn vị. Trong đó, tập trung vào các dự án trọng điểm, như: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+000-Km53+000), dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai - Hà Nội (giai đoạn 1)…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Điệp, nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm do đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai giải ngân. Một số dự án lớn như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu chiếm tới gần một nửa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án khác điều chuyển vốn, không ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của cả giai đoạn. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo rà soát điều chỉnh, cắt giảm các dự án, đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thí điểm phân cấp giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia tại 2 huyện Lạc Sơn và Đà Bắc để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình. Về tăng trưởng kinh tế, đã tham mưu cho tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm song vẫn rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để hoàn thành được chỉ tiêu đã đề ra.
Nỗ lực tăng thu ngân sách
Đóng góp ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, các đại biểu phân tích nguyên nhân thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, trong đó thu tiền sử dụng đất thấp ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2024. Theo đại biểu Trần Ánh Dương (huyện Lạc Thuỷ), tăng thu ngân sách Nhà nước hàng năm rất khó nếu không có giải pháp quyết liệt để thu các loại thuế, phí còn nợ đọng, nhất là đối với doanh nghiệp có số nợ thuế, phí lớn từ các năm 2022, 2023. Do đó, cần có giải pháp thu các loại thuế, phí còn nợ đọng để bảo đảm tỷ lệ thu ngân sách địa phương.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, thu ngân sách địa phương chủ yếu phụ thuộc vào thu tiền thuế của Nhà máy thủy điện, tiền đấu giá, tiều thuê đất. Để bảo đảm tính ổn định trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp tập trung vào phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư các doanh nghiệp. Đồng thời, cần những giải pháp cụ thể để giải quyết những vướng mắc về thủ tục đấu giá đất nhằm tăng nguồn thu ngân sách, bảo đảm nguồn vốn thực hiện giải ngân đầu tư công. Việc các dự án chậm triển khai cũng khiến tỷ trọng nguồn thu về đất của tỉnh giảm mạnh, do đó, cần cương quyết và nếu cần thiết sẽ ban hành nghị quyết để thực hiện thu hồi dự án chậm hoặc không triển khai như một số tỉnh đã thực hiện trong thời gian gần đây.
Cùng với đó, UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thực hiện các dự án chậm tiến độ. Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư liên quan đến các thủ tục về đất đai cần phải được các chủ đầu tư quan tâm, nghiên cứu, thực hiện sớm và đúng quy định, tránh khi triển khai dự án rồi lại vướng về thủ tục đất đai gây khó khăn trong việc thực hiện dự án. Đồng thời, sớm giải quyết các thủ tục đầu tư và hoàn thành các dự án tái định cư để hỗ trợ cấp bách đối với người dân bị ảnh hưởng từ đợt mưa lũ năm 2017, 2018.