Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cân nhắc, nghiên cứu quy định rõ hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Cân nhắc thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách
Để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội. ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho rằng, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và Nhân dân mong đợi.
Theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật thì “đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, quy định về độ tuổi của người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 21 dự thảo Luật lại khác với quy định về độ tuổi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ hưu trí tại Điều 64 dự thảo Luật và Điều 169 Bộ luật Lao động hiện hành.
Chỉ rõ, quy định như trên vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21 dự thảo Luật, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị gộp Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo hướng: “đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ”.
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cũng cho rằng, việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là một trong những giá trị lớn về an sinh xã hội mà việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này mang lại. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng làm nảy sinh các kẽ hở, dẫn đến việc lợi dụng.
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng, việc bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội không gắn với nghĩa vụ đóng và điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, do có thể dẫn tới tâm lý người lao động không cần tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không cần duy trì đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, nhưng đến khi đủ điều kiện về tuổi thì vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. "Đây là vấn đề cần được đánh giá kỹ tác động và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, nhất là trong điều kiện nước ta sắp chuyển sang giai đoạn dân số già hóa, số lượng người thuộc diện bảo đảm của chính sách này sẽ ngày càng gia tăng", đại biểu lưu ý.
Làm rõ nguyên nhân tăng rút bảo hiểm xã hội một lần
Một nội dung cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ, khoản 1, Điều 70. Cụ thể, Phương án 1: quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Phương án 2: quy định người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cả 2 phương án sẽ dẫn đến xu hướng gia tăng tình trạng một bộ phận người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trước thời điểm luật có hiệu lực, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài. Phương án linh hoạt nhất, theo đại biểu, là không cấm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trên tinh thần đó, đại biểu đề nghị nên xem xét thiết kế quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần thành các phương án để người lao động lựa chọn: Lựa chọn thứ nhất, nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường. Các chế độ tăng thêm được thiết kế trong dự thảo luật là cần thiết và phù hợp. Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe. Lựa chọn thứ ba, người lao động có thể rút 50% và bảo lưu 50%, phương án này giúp giải quyết một phần khó khăn của người tham gia bảo hiểm xã hội khi bị mất việc, vừa tạo cơ hội cho họ tái tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có điều kiện.
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị, cần đánh giá và làm rõ nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần để có biện pháp xử lý gốc rễ vấn đề này. Cùng với đó, cần xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Đại biểu cũng cho rằng, cả hai phương án đang được đề xuất tại dự thảo Luật đều dựa trên điều kiện sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, về bản chất là không tham gia quan hệ lao động thì mới cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần là "khó đáp ứng nhu cầu cấp bách của một bộ phận lao động mất việc làm, cuộc sống bấp bênh, khó khăn".
Liên quan đến phương án 2, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây bất lợi cho người lao động. Phương án 2 quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội là chưa rõ ràng, người lao động có được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu hay không? Đặt vấn đề này, đại biểu nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội thì quyền được hưởng tối đa thời gian đã đóng. Do đó, nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng, thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.