Quy định chưa chặt chẽ

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:51 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng (Dự thảo) đang được Bộ xây dựng lấy ý kiến các đối tượng có liên quan. Theo đó, Dự thảo đã bổ sung quy định liên quan đến mua sắm vật tư, thiết bị công nghệ cho Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Hợp đồng EPC).

Khoản 3, Điều 1, Dự thảo quy định  đối với hợp đồng EPC, trước khi tiến hành mua sắm vật tư, thiết bị công nghệ cho hợp đồng EPC, bên nhận thầu phải tiến hành lập các yêu cầu để trình bên giao thầu cho ý kiến chấp thuận trước khi tiến hành mua sắm nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Việc chấp thuận của bên giao thầu không làm giảm trách nhiệm của bên nhận thầu đối với việc mua sắm vật tư, thiết bị cho hợp đồng EPC. Bên nhận thầu có thể tiến hành mua sắm trực tiếp hoặc thuê thầu phụ để mua sắm vật tư, thiết bị cho hợp đồng EPC. Trường hợp thuê thầu phụ để mua sắm vật tư, thiết bị, thì nhà thầu phải thỏa thuận và thống nhất với bên giao thầu các yêu cầu đối với nhà thầu phụ cung cấp vật tư, thiết bị trước khi tiến hành lựa chọn nhà thầu phụ nhưng không được làm thay đổi yêu cầu kỹ thuật, xuất xứ, công nghệ trong hợp đồng EPC đã ký.

Dự thảo cũng quy định, trước khi mua sắm thiết bị, nhà thầu phải xin ý kiến chấp thuận của chủ đầu tư nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định này sẽ giúp chủ đầu tư kiểm soát được chất lượng của thiết bị cũng như tiến độ của dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án xây dựng thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC thường là những dự án lớn nên việc mua sắm thiết bị diễn ra thường xuyên. Vấn đề đặt ra, mỗi lần nhà thầu muốn mua sắm đều phải xin ý kiến của chủ đầu tư, điều này dẫn đến việc nhà thầu sẽ không chủ động và kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt, thị trường luôn có sự biến động giá cả hàng ngày và mỗi lần có sự thay đổi thì bên nhà thầu lại phải xin ý kiến của chủ đầu tư. Điều này đang gây ra khá nhiều bất cập cho nhà thầu.

Đáng chú ý, nếu các bên thỏa thuận về việc nhà thầu không phải xin ý kiến của chủ đầu tư thì nhà thầu sẽ tự mình thực hiện việc mua sắm vật tư, thiết bị công nghệ. Theo đó, nhà thầu sẽ chủ động trong quá trình thực hiện công việc và giúp đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, với quy định thiếu chặt chẽ như hiện nay, việc giao cho nhà thầu thực hiện việc mua sắm thiết bị không qua chủ đầu tư sẽ rất khó kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm.

Thêm vào đó, việc không kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa sẽ gây khó khăn trong quá trình định giá giá trị hợp đồng, sẽ gây xung đột lợi ích giữa các bên. Cụ thể, bên nhà thầu luôn mong muốn mua các thiết bị giá rẻ để tăng lợi nhuận trong khi đó bên chủ đầu tư lại yêu cầu các thiết bị phải bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta không thể bảo đảm được nguyên tắc vừa rẻ, vừa đẹp nhưng chất lượng tốt nên dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa các bên. Chính vì lẽ đó, nhiều dự án xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC không những không rút ngắn được thời gian thực hiện mà còn kéo dài thời gian hoàn thành và không bảo đảm kết quả như mong muốn.

Ngoài ra, việc cho phép bên nhận thầu thuê thầu phụ để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị sẽ phần nào giảm gánh nặng công việc cho nhà thầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần có sự thống nhất giữa các bên và phải có sự giám sát chặt chẽ của nhà thầu cũng như bên chủ đầu tư. 

Nguyễn Ngân