Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, thực tế thi hành Luật Đấu thầu những năm qua thì hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, tại Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, bao gồm cả đầu tư phát triển và chi thường xuyên năm 2011 là 70%, năm 2012 là 73% so với tổng số gói thầu.
Quy định chỉ định thầu nhằm áp dụng rất hạn chế cho việc cung ứng các hàng hóa sản phẩm có điều kiện nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có đến trên 70% các gói thầu được thực hiện dưới dạng chỉ định thầu. Ở đây thể hiện rõ luật hiện hành hiện nay còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, dẫn đến tạo ra khe hở cho cả chủ đầu tư và nhà thầu lách luật để có vận dụng phát sinh ra những tiêu cực làm gây thất thoát đến tài sản và lãng phí tài sản của nhà nước.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định 6 trường hợp được chỉ định thầu: “Sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay; gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khoẻ, tài sản và tính mạng của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; Gói thầu cấp bách triển khai công việc nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ, hải đảo; Gói thầu chuẩn bị dự án thuộc trường hợp cấp bách cần triển khai thực hiện ngay để đảm bảo thu hút, huy động được vốn của nhà tài trợ nước ngoài; Gói thầu cấp bách trực tiếp phục vụ công tác chuẩn bị dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu để đảm bảo yêu cầu về tiến độ đã xác định đối với các dự án phát triển năng lượng quốc gia…”
Việc quy định 6 trường hợp chỉ định thầu là những đổi mới của Dự thảo Luật, đồng thời, giúp cho hoạt động đấu thầu được công khai, minh bạch, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), với hình thức chỉ định thầu, sự cố bất khả kháng không phải là trường hợp nên áp dụng hình thức chỉ định thầu, hình thức chỉ định thầu không nên áp dụng để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và phòng, chống tham nhũng một cách triệt để. Nếu áp dụng chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật an ninh quốc gia đồng thời để bảo đảm tính khách quan của quy định này. Cũng nên liệt kê chi tiết các trường hợp cụ thể, không nên sử dụng cách viết sự cố bất khả kháng, sự cố cần khắc phục ngay vì không xác định được cụ thể. Thay vào đó có thể quy định luôn các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay là những trường hợp nào. Đồng thời không nên áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với trường hợp nêu tại Điểm a, Điều 22 của dự thảo, cách quy định về số tiền tối đa của gói thầu trong một văn bản luật có tính ổn định cao là không hợp lý.
Ngoài ra cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm sát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp được chỉ định thầu, nếu không sẽ có tình trạng chủ đầu tư kiến nghị tràn lan, thủ tục thiếu nhất quán về điều kiện để được áp dụng chỉ định thầu và không phân định rõ được trách nhiệm của từng cấp nhất định.
Còn ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), chỉ định thầu không cần phải mở rộng thêm một số trường hợp mà do yếu tố, điều kiện không có biện pháp khác ngoài chỉ định thầu, tôi đề nghị bổ sung thêm hai trường hợp: Thứ nhất trong trường hợp gói thầu cung ứng dịch vụ và hàng hóa chỉ duy nhất có một nhà cung cấp có đủ năng lực và điều kiện đáp ứng yêu cầu, ví dụ như vấn đề tư vấn thiết kế thi công các công trình lớn có yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao hay vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm đặc trưng mà chỉ duy nhất có một nhà sản xuất. Vấn đề thứ hai, bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu đối với các gói cung cấp dịch vụ hàng hóa do nhà nước chỉ định theo đặt hàng bao gồm cả nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, cung cấp vũ khí, khí tài và xây dựng các công trình có yêu cầu đặc biệt quan trọng về bảo đảm an toàn và an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định về hạn mức chỉ định thầu tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 Dự thảo Luật, theo nhận định của ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) sẽ rất khó thực hiện, vì hiện nay gói thầu do biến động giá và chi phí cao, các công trình đơn giản sửa chữa nhỏ cũng đã có giá trị trên 1 tỷ đồng. Do đó, quy định chỉ định xây lắp nhỏ hơn 1 tỷ đồng là rất khó áp dụng, đồng thời nếu quy định như dự thảo thì số lượng gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ phải thực hiện đấu thầu không qua hình thức chỉ định thầu sẽ là rất lớn dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí trong việc tổ chức đấu thầu. Còn gây áp lực lớn cho chủ đầu tư đến cơ quan thẩm định quản lý đấu thầu.
Mặt khác, tại Điều 87 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu trong quản lý nếu vi phạm thì xử lý không vì lý do không quản lý được, không xử lý được mà ta thay đổi hạn mức như hiện hành. Thực tế hạn mức chỉ định thầu theo quy định hiện hành rất phù hợp với tình hình triển khai công tác đấu thầu ở địa phương trong thời gian qua. Do đó, đại biểu Lê Công Đỉnh đề nghị dự thảo lần này nên giữ quy định hiện hành, tức hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu là 5 tỷ đồng, đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng, đối với gói thầu mua sắp hàng hóa là 2 tỷ đồng.
Trong hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu là cần thiết và bắt buộc đối với hoạt động này. Tuy nhiên, để hoạt động này chặt chẽ cần quy định cụ thể hơn với vấn đề liên quan đến chỉ định thầu, đặc biệt vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục, trình tự, thẩm quyền trong việc thẩm định quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản mà vận dụng trường hợp khẩn cấp và cấp bách. Và nên chăng, cần thiết đưa các quy định về tỷ lệ giảm giá thành như một yếu tố cho việc chỉ định thầu nhằm tăng tính hiệu quả trong chỉ định thầu.