Quy định cách ly chống Covid của Trung Quốc

- Thứ Hai, 20/12/2021, 06:19 - Chia sẻ
Trung Quốc là nước duy nhất hiện nay trên thế giới vẫn kiên trì chiến lược Zero Covid (Không Covid-19) với thời gian cách ly các đối tượng F0 lên tới 4 tuần ở một số nơi. Một số chuyên gia cho rằng, chính sách này hiện quá khắt khe và có thể không hợp lý về mặt khoa học.

Trung Quốc là một trong những nước áp dụng thời gian cách ly Covid-19 dài nhất thế giới như một phần của chính sách Zero Covid. Chiến lược này cho đến nay được đánh giá là tương đối thành công vì đã giúp Trung Quốc kiềm chế tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Theo chiến lược này, các ca bệnh trong cộng đồng và những người tiếp xúc gần với F0 sẽ được cách ly nhanh chóng cùng với việc xét nghiệm khoanh vùng để kiểm tra nguy cơ nhiễm bệnh của những đối tượng có liên quan. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các du khách đến Trung Quốc bị buộc phải tự cách ly và thời gian cách ly kéo dài hơn so với các nơi khác trên thế giới.

Nguồn: Tân Hoa Xã
Nguồn: Tân Hoa Xã

Thời gian cách ly từ 3 - 4 tuần

Thời gian cách ly các đối tượng được xác định là F0 ở Trung Quốc tùy thuộc vào quy định của từng thành phố và tỉnh, nhưng tối đa là 4 tuần và tối thiểu là 21 ngày ở nhiều nơi.

Ví dụ, những người đến Bắc Kinh phải dành 14 ngày cách ly trong các điểm cách ly tập trung, sau đó 7 ngày cách ly tại nhà (hoặc khách sạn nơi họ thuê), sau đó là 7 ngày “theo dõi sức khỏe sát sao”.

Tại Thâm Quyến, người Hong Kong cần phải trải qua 14 ngày cách ly sau đó 7 ngày nữa được theo dõi các triệu chứng. Những người đến có thể yêu cầu dành nửa sau thời gian cách ly của họ ở nhà.

Một số tỉnh yêu cầu thời gian cách ly dài hơn. Ví dụ, những khách du lịch đến Thẩm Dương phải trải qua 28 ngày cách ly ở khu vực cách ly được chỉ định (có thể là khách sạn) và sau đó ở nhà trong 28 ngày theo dõi sức khỏe khác.

Khoa học nói gì?

Thời gian cách ly được xác định dựa trên thời kỳ ủ bệnh của virus Corona, là giai đoạn kéo dài từ khi một người mới nhiễm virus đến khi bắt đầu phát tác các triệu chứng. Chủng Covid-19 ban đầu có thời gian ủ bệnh khoảng 6 ngày. Theo Bộ Y tế Hong Kong (Trung Quốc), hầu hết những người nhiễm Covid-19 biểu hiện các triệu chứng trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm virus, trong đó 5 ngày là phổ biến nhất. 

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về đợt bùng phát ở Quảng Đông từ tháng 5 đến tháng 6 được công bố trên tạp chí EClinicalMedicine, biến thể Delta dễ lây lan hơn và là nguyên nhân chính dẫn đến các đợt bùng phát gần đây, có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, tương đối ngắn so với các chủng trước đó.

Vì vậy, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng, quy định cách ly tới 3 - 4 tuần như hiện nay ở Trung Quốc là không cần thiết. Nhà dịch tễ học Ben Cowling và nhà virus học Jin Dong-Yan của Đại học Hong Kong cho rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho quy định này. Ông Cowling đã nhiều lần nói rằng việc áp dụng cách ly đối với những người nhập cảnh sau 10 ngày kiểm dịch là đủ và 14 ngày là “quá đủ”. Còn ông Jin Dong-Yan thì cho rằng, thời gian cách ly có thể rút ngắn hơn đối với những cá nhân đã được tiêm phòng đầy đủ. Ông nói: “Tiêm phòng có thể rút ngắn thời gian phát tán của virus”, đề cập đến hiện tượng khi virus rời khỏi người nhiễm bệnh qua dịch ở mũi và miệng. “Những người được tiêm chủng, bởi vì họ có kháng thể, họ thực sự đang chiến đấu với virus”, ông lưu ý.

Các chuyên gia cũng nói rằng việc cách ly 21 ngày tại một khách sạn có thể gây ra những lo ngại về an toàn vệ sinh, hoặc làm tăng nguy cơ lây nhiễm của những người tại khách sạn. Đầu tháng này, các nhà chức trách y tế Hong Kong đã tăng cường các biện pháp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong các khách sạn được sử dụng để cách ly sau khi các chuyên gia y tế cho biết một người đàn ông có khả năng đã bị nhiễm biến thể dễ lây lan hơn Delta Plus từ một vị khách ở phòng bên cạnh, khi cả hai mở cửa phòng của họ để lấy đồ ăn.

Mặc dù hiếm hơn, một số nghiên cứu đã cho thấy một tỷ lệ nhỏ các trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn 14 ngày. Vào tháng 10, một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày thứ 26 sau khi đến Hong Kong từ Mỹ, và đó là trường hợp nhập cảnh.

Thời gian cách ly ở những nơi khác là bao lâu?

Các quốc gia đã chọn chung sống với Covid-19 không còn áp dụng cách ly hoặc có thì thời gian khá ngắn, thường là tự cách ly.

Chẳng hạn ở Anh, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ chỉ cần cách ly trong 10 ngày, trong khi những người đã tiêm có thể bỏ qua hoàn toàn việc kiểm dịch.

Các biện pháp kiểm dịch khác nhau được áp dụng tùy theo tiểu bang và các thành phố ở Mỹ. Ví dụ, du khách đến bang New York và California thì không phải áp dụng hạn chế nào, nhưng chính quyền địa phương vẫn khuyến khích du khách tự cách ly trong 7 ngày nếu họ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Singapore cho phép khách du lịch nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ không cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch nếu họ đến từ một số quốc gia như Australia, Hàn Quốc và Mỹ. Du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) cũng có thể nhập cảnh mà không cần tiêm chủng và chỉ cần tự cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.

Các quốc gia khác có các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Du lịch đến New Zealand không có giấy kiểm dịch chỉ dành cho những người đến từ một số quốc đảo Thái Bình Dương. Những du khách từ nơi khác nhập cảnh với "mục đích quan trọng" phải bị cách ly trong 7 ngày tại khách sạn và sau đó tiếp tục tự cách ly ở nhà cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm vào ngày thứ 9.

Du khách đến Đài Loan (Trung Quốc) cũng phải trải qua 14 ngày cách ly trong khách sạn hoặc cơ sở kiểm dịch theo nhóm.

Có thể rút ngắn thời gian cách ly?

Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc chưa có ý định rút ngắn thời gian cách ly. Một số nơi, chẳng hạn như Quảng Châu, thậm chí còn thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn vì đợt bùng phát mới vào đầu tháng 10.

Chính phủ Trung Quốc cũng chưa cho biết khi nào họ sẽ nới lỏng các hạn chế biên giới. Tuy nhiên, chuyên gia về bệnh đường hô hấp Zhong Nanshan cho biết Trung Quốc có thể mở cửa trở lại nếu tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân Covid-19 được kiểm soát ở mức 0,1% và một người bị nhiễm chỉ lây nhiễm trung bình từ 1 đến 1,5 người.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 2% vào tháng 11, trong khi các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, tỷ lệ tử vong của các biến thể Delta đối với những người được tiêm chủng ở Anh là từ 0,14 - 0,18%.

Đạt Quốc