Vào cuộc mạnh mẽ, cải thiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi

- Thứ Bảy, 25/11/2023, 18:21 - Chia sẻ

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, việc Quốc hội quyết định giám sát ngay khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã chính thức giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; với phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm phù hợp. Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các chương trình mục tiêu quốc gia đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình. Qua giám sát cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế thừa và phát huy giá trị, thành tựu của giai đoạn trước, kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra 7 hạn chế, tồn tại trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đưa ra 4 bài học kinh nghiệm; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đối với địa phương.

Cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát, song thảo luận tại hội trường, qua thực tiễn tại địa phương và kiến nghị của cử tri, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến với mong muốn các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được triển khai hiệu quả thời gian tới, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi.

Không cắt, giảm chính sách hỗ trợ

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn): Xem xét giảm tỷ lệ đối ứng của địa phương nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương

Tỷ lệ đối ứng của chương trình xây dựng nông thôn mới cao, trong khi nguồn thu ngân sách của một số địa phương hạn chế nên khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương để bảo đảm đối ứng theo quy định. Cụ thể là thực hiện Quyết định số 07 của Chính phủ, các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 60 - 80%, hàng năm, ngân sách địa phương phải đối ứng tối thiểu bằng tổng vốn ngân sách trung ương với tỷ lệ hỗ trợ là 1:1, trong đó có Lạng Sơn.

Ngoài thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì có rất nhiều hạng mục công trình cần phải đầu tư, nhất là các công trình giao thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đường kiểm tra cột mốc khu vực biên giới, thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Hàng năm, ngân sách tỉnh không thể cân đối cho tất cả nhiệm vụ này, phải huy động nguồn lực từ nhân dân, song đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh còn khó khăn nên nguồn lực huy động cũng rất hạn chế.

Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng của các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh miền núi, các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương để thực hiện các công trình giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong báo cáo giám sát có nêu tiêu chí số 2 về giao thông ở vùng trung du miền núi phía Bắc mới đạt 56,8% số xã đạt tiêu chí giao thông; trên thực tế, nơi nào có kết cấu hạ tầng giao thông phát triển thì nơi đó sẽ có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hơn.

Về đối tượng thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3 theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể các đối tượng gồm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực 2, khu vực 3 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cộng đồng dân cư thuộc các xã khu vực 2, khu vực 3 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo quy định trên, các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 433 ngày 18.6.2021 của Ủy ban Dân tộc nhưng lại thuộc các xã khu vực 1 không thuộc đối tượng thực hiện tiểu dự án 1 và dự án 3; do đó, để bảo đảm không bỏ sót đối tượng thụ hưởng, đề nghị sớm có hướng dẫn khắc phục vướng mắc này.

Nhiều đại biểu đề nghị không cắt, giảm chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ cho học sinh và giáo viên đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vì đây là chính sách an sinh xã hội, đất nước càng phát triển, càng thịnh vượng thì các chính sách này cần phải quan tâm hơn. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng cân đối để tiếp tục hỗ trợ người dân.

Dự thảo Nghị quyết giám sát yêu cầu Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc nhất về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành trong năm 2023. Thống nhất với kiến nghị này, ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị đây phải là ưu tiên hàng đầu vì hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở ở khu vực miền núi rất lớn, thiệt hại nghiêm trọng đến đất ở, đất sản xuất và hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, đời sống của người dân rất vất vả; nhiều thôn, bản phải di dời do nguy cơ sạt lở rất cao, cần có nguồn kinh phí lớn để thực hiện, trong khi các tỉnh khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi ngân sách không bảo đảm. “Tuy nhiên, nếu yêu cầu hoàn thành trong năm 2023 sẽ không khả thi; do đó, cần xác định lộ trình thời gian thực hiện phù hợp nhưng phải sớm”.

Chú trọng tuyên truyền đến tận người dân

Việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) chỉ ra thực tế, người dân, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. “Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng, miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ, bị động và gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo ĐBQH Trần Quang Minh, việc này do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan như đặc thù địa bàn miền núi khó khăn, nhận thức của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc. Song, ông cho rằng cán bộ cơ sở hướng dẫn thực hiện và cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. “Cán bộ làm chính sách rất ít, hay thay đổi, chất lượng không đồng đều, điều kiện công tác ở miền núi còn khó khăn, trong khi đội ngũ Ban phát triển ở thôn bản chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chế độ, năng lực có hạn, chưa phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín”.

Từ thực tế trên, ĐBQH Trần Quang Minh đề nghị thời gian tới phải tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì, khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách, thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững, lâu dài, ý chí vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An): Thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An)
Ảnh: Quang Khánh

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 50.000ha rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, trong đó có một số diện tích đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ công tác bảo vệ rừng theo quy định tại tiểu dự án 1, dự án 3 của Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Điều 10, Điều 108, Luật Lâm nghiệp năm 2017, toàn bộ diện tích rừng này đã được tỉnh Nghệ An đưa vào quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên hiện nay quy hoạch lâm nghiệp quốc gia vẫn chưa được phê duyệt.

Trong khi đó, theo quy định tại Điểm a, Mục 3, Phần 3 nội dung hỗ trợ của tiểu dự án 1, dự án 3 của chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ thì lại quy định "hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng hộ gia đình”. Do đó, các hộ gia đình được giao đất nêu trên vẫn chưa được bảo đảm điều kiện để hưởng hỗ trợ bảo vệ rừng.

Để bảo đảm chính sách kịp thời đến với các đối tượng, đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý vướng mắc trên theo hướng, trong lúc chờ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt vẫn thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng tự nhiên đang nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Có chính sách đặc biệt cho nhóm hộ nghèo bền vững

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Ảnh: Hồ Long

Trên cơ sở kết quả giám sát, tôi có một số kiến nghị, đề xuất. Một, về việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tôi cho phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán cư trú. Không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Hai, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Ba, hiện tại nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo do không có vốn, sức lao động và tư liệu sản xuất. Do vậy, cần nhóm những hộ này thuộc diện nghèo bền vững và có chính sách đặc biệt. Có như vậy mục tiêu chương trình mới có tính khả thi cao.

Bốn, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Hương Linh