Tri ân “những người phất cờ hồng”

- Thứ Năm, 01/09/2022, 06:33 - Chia sẻ

Mùa thu tháng Tám năm 1945 không chỉ là niềm tự hào của những người trong cuộc mà còn của những người đang được sống trong độc lập và hòa bình hôm nay. “Tôi muốn kể về họ như một lời tri ân, biết ơn của thế hệ trẻ đối với những con người đã góp phần làm nên lịch sử dân tộc”, Thiếu tá, nhà văn PHẠM VÂN ANH chia sẻ về tập bút ký “Những người phất cờ hồng” được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2021.

Những anh hùng gần gũi

- Tại sao hơn 70 năm sau Cách mạng tháng Tám lịch sử, chị lại quyết định tìm gặp và viết về những nhân chứng của một thời hào hùng, oanh liệt ấy?

Tri ân “những người phất cờ hồng” -1

- Từ hồi học phổ thông, tôi đã may mắn được gặp nghệ nhân Nguyễn Hãn, một trong những nghệ nhân trống chầu hàng đầu Việt Nam, cũng là một trong “tứ hổ” bảo vệ tướng quân Nguyễn Bình, trực tiếp tham gia giải phóng khu Đông Triều. Đặc biệt, cụ Nguyễn Hãn là con một tướng cướp ở vùng Thủy Nguyên xưa, khi cụ 18 tuổi thì được bố gọi về nói rằng, vì vận nước con phải theo Nguyễn Bình.

Một người nữa dạy tôi đàn và hát ca trù là nghệ nhân Trần Trọng Quế, cũng theo cách mạng trở về và có tình yêu, muốn khôi phục ca trù. Sau đó tôi còn được gặp nhà văn Hoàng Công Khanh, người từng sống với Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La...

Từ những cuộc gặp gỡ ấy, tôi cảm thấy Cách mạng tháng Tám rất gần gũi qua chính những người thân thuộc với mình. Trở về đời thường, dù đối mặt với cuộc sống khó khăn, nhưng các cụ có ý chí đáng học hỏi. Ở cạnh họ, tôi thấy được lý tưởng, lòng yêu nước và chí khí, dốc lòng làm cách mạng vì dân tộc.

Do công việc (nhà văn, nhà báo Biên phòng - PV), tôi có ý thức tìm hiểu và viết về những con người thuộc thế hệ xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung, một thế hệ vàng của dân tộc. Nhưng cũng phải đến khi cụ Nguyễn Hãn yếu, đưa cho tôi cuốn sổ mỏng gồm những bài viết tay của cụ về thời kỳ tham gia kháng chiến và khởi nghĩa ở chiến khu Đông Triều thì tôi quyết định tìm gặp các nhân chứng của giai đoạn lịch sử đó, bởi nếu không sẽ không còn cơ hội khi những “ký ức sống” ấy đều đã trên dưới 100 tuổi.

- Không khí những ngày Tháng 8 lịch sử khi “toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày” đã được viết nhiều cả chính sử và trên báo chí, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật… Cách tiếp cận của chị có gì khác biệt?

- Tôi không đi theo những chiều kích như một văn bản nghiên cứu lịch sử hoặc tái hiện lịch sử. Thay vào đó, tôi đi vào các nhân vật, những con người đã tham gia cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở mọi miền Tổ quốc với những vị trí, vai trò khác nhau. Như Đại tướng Nguyễn Quyết thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đại tá Hoàng Long Xuyên là Đội trưởng đội du kích Hòa An - Cao Bằng và tham gia khởi nghĩa tại Cao - Bắc - Lạng… Nhưng cũng có người chỉ là quần chúng yêu nước bình thường, từ công nhân Nhà máy nước Yên Phụ ở Hà Nội, đến cán bộ phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long...

Tôi đọc lịch sử về giai đoạn này, gặp gỡ các sử gia, từ đó nhờ anh em biên phòng, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh kết nối, tìm kiếm các nhân vật liên quan. Tôi muốn nhìn từ bản đồ lớn để thấy từng vùng, với những sự kiện rõ theo lịch sử, như thế không sợ sai, sợ lẫn. Bám vào lịch sử để tìm những góc mà lịch sử, báo chí chưa hoặc ít nói đến. Thực tế, có nhiều anh hùng, liệt sĩ thời đó bị thời gian che khuất và có thể lịch sử cũng quên lãng họ.

Việc là nhà văn, nhà báo biên phòng cũng giúp tôi đặt vấn đề với các nhân vật thuận lợi hơn, bởi họ thấy có độ tin tưởng nhất định và sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình.

Ký ức vẹn nguyên

- Trong số khoảng 30 nhân vật chị đã tìm gặp, khó khăn nhất, tốn công nhất là ai?

- Khó nhất tưởng xa tận chân trời nhưng lại gần ngay trước mắt, đó là Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Trưởng phòng điều tra hình sự của Bộ đội Biên phòng. Rõ ràng Đại tá Hoàng Long Xuyên là tiền bối của tôi, nhưng trong lực lượng nhiều người cũng không biết đến quá khứ lẫy lừng của cụ. Biết cụ đang sống tại TP. Thái Nguyên, tôi gọi điện cho Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên hỏi, nhưng chị không nắm rõ thông tin về nhân vật này. Nhờ vả khắp nơi, mãi tôi mới tìm được cụ. Khi ấy cụ 103 tuổi, mặc bộ quân phục cũ ngồi kể chuyện ngày xưa ở Cao Bằng, được Bác Hồ và Bác Giáp chọn học trường quân sự Hoàng Phố; năm 1944 được gọi về để thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nhưng cụ bị lạc rừng 2 ngày, nên không có tên trong danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên...

Tri ân “những người phất cờ hồng” -0
Tập bút ký "Những người phất cờ hồng" được NXB Quân đội Nhân dân phát hành tháng 8.2021

- Ký ức của các nhân chứng về những ngày hoạt động cách mạng hơn 70 năm trước như thế nào? 

- Mặc dù các cụ tuổi đã cao, có thể bị lẫn, thậm chí quên nhiều thứ, nhưng ký ức về giai đoạn đó vẫn vẹn nguyên. Nói đến Cách mạng tháng Tám các cụ như thuộc nằm lòng, và cả những người từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng mình, nên từ người này lại giúp tôi tìm ra người khác. Tôi đã tới thăm và trò chuyện với Đại tá Hoàng Long Xuyên 4 lần, và luôn được cung cấp những thông tin, tư liệu quý. Qua khai thác thông tin từ Đại tá Hoàng Long Xuyên, tôi biết về cụ Đặng Văn Việt, người cắm cờ trên kỳ đài Huế trong những ngày giành chính quyền. Từ cụ Đặng Văn Việt lại ra câu chuyện của cụ Ngọc Trình, một trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tham gia giải phóng biên khu Cao - Bắc - Lạng, sau đó năm 1949 tham gia chiến dịch giải phóng Bằng Tường, Trung Quốc và hy sinh ở bên đó…

Ngọn cờ được trao truyền

- Từ lịch sử đến gặp ngoài đời, chị ấn tượng nhất với nhân vật nào?

- Một trong những nhân vật tôi ấn tượng là cụ Đặng Nam. Tôi biết cụ từ sớm, vì cụ là Chủ nhiệm CLB thơ Dương Kinh ở Kiến Thụy (Hải Phòng) - huyện đầu tiên trong cả nước tổ chức Ngày thơ Việt Nam, nhưng khi ấy tôi không biết cụ là lão thành cách mạng. Tìm hiểu trở lại, tôi biết cụ là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên. Cụ thuộc thế hệ thứ 2 của hào khí “Tiếng trống Kim Sơn”, từ tiếng trống đó, Kiến Thụy giành chính quyền sớm, trước cả nước gần một tháng, tạo khí thế dọc miền duyên hải. Ngay sau khi giành chính quyền, cụ đã gia nhập lực lượng công an, Ty Liêm phóng Hải Kiến, đảm trách việc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Là người có tâm hồn văn chương, những ngày phất cao cờ khởi nghĩa được cụ ghi lại trong những bài thơ mộc mạc: Từ trong ba nhánh tre ươm/ Thành căn cứ địa Kim Sơn - Tân Trào/ Âm vang tiếng trống, đường dao/ Đất bằng nổi sóng phất cao cờ hồng...

- Sau hành trình tìm và gặp các nhân chứng, điều chị thấy ý nghĩa nhất là gì?

- Thông qua số phận mỗi con người, chúng ta thấy một lát cắt lịch sử. Giống như trận mưa, có hạt nặng, hạt nhẹ, hạt rơi nghiêng, hạt rơi thẳng, nhưng tất cả đồng lòng, cùng hướng, tạo nên sự biến đổi lớn, xoay chuyển vận mệnh đất nước. Những người mà tôi may mắn được gặp đó đều là những người có công lớn với đất nước, với dân tộc, nhưng sau này sống rất bình dị. Như cụ Đặng Văn Việt, đọc lịch sử, rồi gặp và nghe cụ kể chuyện, tôi thấy xót xa, vì khi là Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn 174, “Hùm xám đường số 4”, xem ảnh cụ rất đẹp, nhưng cuộc sống hiện tại của cụ quá vất vả. Tôi từng hứa đưa cụ Đặng Văn Việt lên thăm cụ Hoàng Long Xuyên nhưng chưa kịp làm thì cụ Việt đã qua đời. Và đó cũng là điều tôi áy náy nhất.

Tập bút ký “Những người phất cờ hồng” chỉ viết về 16 người trong giai đoạn cách mạng sục sôi đó, nhưng còn có những tấm gương anh hùng liệt sĩ khác giai đoạn sau này, cho thấy ngọn cờ hồng đã và đang được chuyển tiếp qua các thế hệ. Có thể họ là người bình dị, nhưng ở địa phương, đơn vị, vị trí công tác của mình, họ là một ngọn cờ để mọi người hướng theo, tin vào Đảng, tin vào Nhà nước.

- Xin cảm ơn chị!

Nhật Linh thực hiện