Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

Tìm giải pháp và kiến tạo phát triển!

- Thứ Hai, 18/03/2024, 07:17 - Chia sẻ

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong năm 2024 với các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Với tinh thần, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, chất vấn không phải là một cuộc “sát hạch” mà hơn hết là để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến tạo phát triển, phiên chất vấn được kỳ vọng sẽ đem lại những giải pháp thực sự căn cơ cho các lĩnh vực chất vấn.

Tìm giải pháp và kiến tạo phát triển! -0
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp tai Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8. 2023. Ảnh: Hồ Long

Theo chương trình, hai Bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn này là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. 

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ trả lời chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề: công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.

Các nhóm vấn đề chất vấn nêu trên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá là "tuy không mới, nhưng có tính chất phức tạp". Đây cũng là những vấn đề hết sức thiết thực, được dư luận cử tri và nhân dân quan tâm; điều này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi rất cao với các chủ thể tham gia phiên chất vấn, mà trước hết chính là các đại biểu Quốc hội.

Chỉ ra những bức xúc bề nổi trong các nhóm vấn đề chất vấn không khó, nhưng rõ ràng, để truy đến cùng trách nhiệm và hơn thế là tìm ra được những giải pháp thực sự căn cơ cho từng vấn đề trong khoảng thời gian có hạn của Phiên chất vấn lại không đơn giản. Vì thế, trước hết, mỗi đại biểu Quốc hội phải chọn câu hỏi cho thật đích đáng.

Với những đổi mới liên tục được áp dụng trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội thời gian qua, việc đại biểu Quốc hội chất vấn theo kiểu nêu hiện tượng, lấy thông tin đã ngày càng ít, thay vào đó là những chất vấn sắc sảo, vừa trực diện vừa xây dựng, vừa đòi hỏi làm rõ trách nhiệm vừa gợi mở giải pháp... đã ngày càng trở thành chủ đạo tại các phiên chất vấn. Điều này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn, các đại biểu Quốc hội phải sử dụng hiệu quả hơn nữa quyền chất vấn, tranh luận của mình và phải phối hợp nhịp nhàng với nhau để truy đến cùng vấn đề bởi khi đại biểu đặt câu hỏi đích đáng thì các "tư lệnh" ngành khó có thể trả lời chung chung cả về trách nhiệm và giải pháp được. 

Với hai Bộ trưởng sẽ trả lời chính tại Phiên chất vấn, sự cầu thị và trách nhiệm đã được thể hiện qua hai Báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn. Các báo cáo này đều đã nêu rõ thực trạng, những kết quả đã làm được, những việc đang làm và sẽ làm trong thời gian tới để khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước… trong từng nhóm vấn đề chất vấn. Nhưng có một nội dung còn chưa thật rõ trong các báo cáo mà các Bộ trưởng có thể “tranh thủ” Phiên chất vấn để thúc đẩy việc giải quyết hiệu quả hơn trong thời gian tới, đó là những việc, những lĩnh vực có sự giao thoa trách nhiệm, liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau.

Đơn cử như với Bộ Tài chính, trong báo cáo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, liên quan đến những tồn tại, khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (bao gồm cả ma túy), Bộ Tài chính cho biết, các quy định pháp luật liên quan đến công tác nghiệp vụ còn nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình thực thi công vụ như: các quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính, trong hoạt động điều tra hình sự, trong xử lý tang vật tịch thu... Cụ thể là khoản 7 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể kéo dài tối đa không quá 2 tháng nhưng để xử lý vụ việc thì cơ quan hải quan phải thực hiện trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu để thuê tổ chức giám định, một số trường hợp từ lúc thông báo mời thầu đến khi có kết quả giám định kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng; có trường hợp kéo dài 1 năm do không có đơn vị nộp hồ sơ; hay trường hợp Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu cơ quan hải quan phải kiểm soát, xử lý hàng hóa xuất khẩu giả mạo nhãn hiệu nhưng lại không có quy định chế tài xử lý...

Điều đáng nói là, theo báo cáo của Bộ Tài chính, “những khó khăn vướng mắc này đã được Bộ Tài chính báo cáo gửi các Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khi tiến hành đánh giá tổng kết thi hành các đạo luật này”. Nhưng rõ ràng, việc khắc phục những tồn tại, khó khăn này vẫn còn chậm bởi đến nay, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính vẫn cho biết, trong thời gian tới “sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực hải quan và kiến nghị các bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hình sự... và các văn bản chính sách mặt hàng của các Bộ quản lý chuyên ngành bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan nói chung, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói riêng". 

Và như vậy, Phiên chất vấn hôm nay - khi các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan cũng sẽ phải tham gia giải trình về các vấn đề liên quan - sẽ là cơ hội để tất cả các bên cùng phân tích, cùng đánh giá hiện trạng, những yêu cầu, đòi hỏi đang đặt ra để từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp, xác định rõ cơ quan nào làm việc gì, thời hạn nào phải hoàn thành để cùng giải quyết. Đặc biệt, những việc cần tháo gỡ ở tầm luật thì ngay sau phiên chất vấn, với việc xác định rõ trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chắc chắn sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn. Không phải "sát hạch", truy dấu tìm vết khuyết điểm mà hơn hết là kiến tạo phát triển - đó mới là mục tiêu cao nhất của chất vấn và trả lời chất vấn. 

Nguyễn Bình
#