Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)

Thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới

- Thứ Năm, 25/04/2024, 18:03 - Chia sẻ

Ts. Bùi Ngọc Thanh Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không thể không nhớ lại tuyên bố với khí phách hào hùng và trách nhiệm của Quốc hội. Ngày 2.3.1946, sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử (6.1.1946), kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I long trọng khai mạc.

Thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới -0
Ảnh: tư liệu

Mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử

Dưới khẩu hiệu lớn, “Kháng chiến - Kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc với sự hưởng ứng nồng nhiệt của các đại biểu Quốc hội. Sau khi Quốc hội bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, toàn thể Quốc hội đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân Việt Nam và thế giới rằng: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau”.

“Nền độc lập và dân chủ đã lập nên, nhờ sự đoàn kết, hy sinh và chiến đấu của toàn dân...

Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”[1].   

Thắng lợi vĩ đại của 9 năm kháng chiến trường kỳ mà trận công phá cuối cùng vào “thành trì bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ đại thành công đó chính là kết quả lớn nhất, tốt đẹp nhất và hiện thực nhất của Nhân dân và Quân đội ta trong thực thi Tuyên ngôn hào khí của Quốc hội.

Thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới -0
Quang cảnh buổi khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I, ngày 2.3.1946. Ảnh: tư liệu 

Với tầm cỡ của thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tháng 5.1964, tại Lễ kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang dâng lên cao đến thắng lợi hoàn toàn” và “đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”[2].

Quốc hội đã tuyên bố, các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau; toàn thể quốc dân phải tận lực chống giữ giang san. Vậy quân và dân ta đã thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao trong trận quyết chiến Điện Biên Phủ như thế nào?

Theo bước hai kế hoạch của Tướng Henri Navarre, đó là tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn..., viên Tướng Cogny - Chỉ huy trưởng của Pháp ở Bắc kỳ đã phởn chí cho rằng, “Bộ chỉ huy Pháp chắc chắn sẽ buộc Việt Minh phải chịu một thất bại nghiêm trọng ở Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ đợi những trận đánh gian khổ và lâu dài, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới -0
Các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được cử tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I, ngày 3.11.1946. Ảnh: tư liệu

Tiến sĩ Alain Ruscio (Chủ tịch Trung tâm thông tin và tài liệu về Việt Nam, Cộng hòa Pháp) trong tác phẩm “Từ lạc quan cuồng nhiệt đến chấn thương vì thất bại” đã viết: Bộ tham mưu quân đội Pháp tin tưởng vào 4 tiền đề. Một là, sự phòng ngự của Pháp, được tổ chức theo những nguyên tắc hiện đại nhất (các chuyên gia người Mỹ đã tham gia vào việc chuẩn bị về kỹ thuật), vì thế là bất khả đánh chiếm. Hai là, pháo binh của đối phương, dù thế nào thì cũng kém pháo binh của chúng ta, không thể kéo lên tới được những đỉnh cao bao quanh lòng chảo. Ba là, những đơn vị của Giáp, dù thế nào cũng không thể được cung cấp đạn dược và những nhu yếu phẩm; vận chuyển qua hàng nghìn kilomet rừng rậm, hàng nghìn tấn cho lực lượng chiến đấu đông tới 50.000 người là một thách đố không thể trụ nổi. Và bốn là, chúng ta làm chủ không phận, có thể quấy rối việc giao thông của Việt Minh làm cho nó khó có thể sống được[3]. Sai lầm lớn nhất của Bộ chỉ huy Pháp là, biết rõ “chân tơ kẽ tóc” những khó khăn của đối phương, nhưng lại quá ngạo mạn, xem thường nghị lực, khả năng khắc phục, vượt qua của họ.

Thực thi trọn vẹn tuyên bố của Quốc hội 

Quả vậy, trong cuộc chiến chống xâm lược, quân, dân ta một lòng một dạ, cả nước đều ra trận. “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân”[4]. Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, có lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, thực hiện “Hai mươi triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn thực dân phản động”[5].

Thống kê về Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, chúng ta đã huy động 261.451 dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4... và 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực. Các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ... cũng đã huy động hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa... phục vụ hậu cần chiến dịch. Trừ số tiêu dùng dọc đường, số hàng tới mặt trận cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 565 tấn lương khô, 577 tấn thịt, 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 177 tấn vật chất khác. Số lượng hàng hóa bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 là bộ đội chủ lực (dự kiến ban đầu là 35.000 người), 33.300 thanh niên xung phong, dân công phục vụ chiến dịch, tải thương và cứu chữa 8.458 thương bệnh binh (dự kiến 5.000 người).

Về sửa chữa và làm đường mới, chỉ tính từ trung tuyến trở lên, dân công và thanh niên xung phong đã sửa chữa 308 km đường ô tô, làm mới 63 km đường kéo pháo, cải tạo 102 ghềnh thác để tổ chức vận tải thủy trên sông Nậm Na. Tổng khối lượng đào đắp lên tới 35.000 m3 đất, 15.000 m3 đá; phá hàng nghìn quả bom nổ chậm... Các lực lượng làm việc trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, máy bay địch luôn bắn phá, một ngày địch huy động tới 250 lần chiếc máy bay ném bom. Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, bến phà Tạ Khoa... trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, có ngày chúng ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160-300 quả bom các loại... Không chỉ địch đánh phá liên miên, mà điều kiện thời tiết, môi trường mưa dầm lầy lội từ hiện trường đến chỗ nằm nghỉ; rừng thiêng, nước độc, ruồi muỗi, rắn rết, đặc biệt là “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” cũng là những cực hình buộc phải chịu đựng... Nhưng suốt cả chiến dịch, hiếm có đoạn đường nào bị đứt đến một ngày đêm (đứt đường chính, ta lại vận chuyển đi đường vòng)...

Tại chiến địa, lực lượng Pháp có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, (về sau tăng thêm 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm (24 khẩu, sau tăng thêm 4 khẩu), 1 đại đội pháo 155mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee do Mỹ cung cấp), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Lực lượng này khoảng 16.200 quân, được tổ chức thành 3 phân khu (Phân khu Bắc - Him Lam; Phân khu Trung tâm - các điểm cao phía Đông; Phân khu Nam - cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm)...

Chiến dịch diễn ra trong 56 ngày đêm. Để phù hợp với điều kiện chiến trường, 56 ngày được chia làm 3 đợt (sau mỗi đợt lại tổ chức lại quân số, đội hình, bổ sung hậu cần).

Đợt 1, từ ngày 13 - 17.3 quân ta tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Lực lượng phản kích của quân Pháp không thể giành lại được những vị trí đã mất, đặc biệt, chỗ dựa của chúng là sân bay đã bị pháo 105 và 120 của ta uy hiếp nghiêm trọng.

Đợt 2, diễn ra từ 30.3 - 30.4, quân ta tiến công phân khu trung tâm, đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía Đông có hơn một vạn quân địch ở đây; “vây, lấn, tấn, diệt, triệt” bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm; khống chế cánh đồng Mường Thanh.

Đợt 3 diễn ra từ 1 - 7.5, quân ta đánh dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại khi các lực lượng quân Pháp đã suy kiệt, tuyệt vọng. Tiêu diệt hoàn toàn cao điểm A1, C1 và tổng công kích... Đúng 15h ngày 7.5, các đơn vị được lệnh, “Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tiến công vào Mường Thanh. Các đơn vị phía Đông đánh thẳng vào khu trung tâm; các đơn vị phía Tây giáp công sang cùng tiến vào sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”.

Quân Pháp sức tàn, lực kiệt, rệu rã kéo cờ trắng lũ lượt đầu hàng. Lúc đó, Đại đội 360 chỉ còn 5 chiến sĩ, khoảng 17h, sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ ở phòng ngoài, 5 chiến sĩ vượt qua gian hầm thứ 2 tiến vào gian hầm giữa có tướng De Castries và các sĩ quan Pháp đang ở đây. Tạ Quốc Luật nói bằng tiếng Pháp, “Các ông hàng đi, các ông thua rồi...”. Các chiến sĩ ta dẫn giải tù binh lên khỏi hầm, đi về phía Mường Thanh... Vào lúc 17h30, Đại đoàn 312 báo cáo, “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng; đã bắt được tướng De Castries”...

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng và đại thắng.

Năm tháng qua đi, nhưng trong tâm trí người dân nước Việt luôn khắc sâu lời dạy của Bác, chiến thắng Điện Biên Phủ “là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Nhân dân ta, quân đội ta đã thực thi trọn vẹn tuyên bố của Quốc hội từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, “Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam”.

________

[1] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, trang 76, Nxb CTQG, Hà Nội 1994.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 11, trang 261 và 266, Nxb CTQG, Hà Nội 1994.

[3] 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự đổi mới phát triển, trang 60-61, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2004.

[4] Như (2), Tập 3, trang 507, Nxb CTQG, Hà Nội 1995.

[5] Như (4), Tập 5, trang 151.

#