Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Rà soát, cân nhắc kỹ các nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng

- Thứ Sáu, 12/04/2024, 14:32 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm bảo đảm tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế giá trị gia tăng; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Góp ý về nội dung này tại hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi loại bỏ các nhóm đối tượng này khỏi nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng, để bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn.

Chuyển 7 hàng hóa, dịch vụ sang nhóm chịu thuế giá trị gia tăng

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 chương, 16 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Dự thảo luật lần này cũng đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, nhằm bảo đảm tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế giá trị gia tăng; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi. Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển 7 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang nhóm chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng. Các đại biểu cho rằng, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng khi loại bỏ các nhóm đối tượng này khỏi nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Trang

Quan tâm đến vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Đức Ngọc - Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, lí do của việc loại phân bón ra khỏi đối tượng không chịu thuế là xuất phát từ quan điểm của các nhà sản xuất phân bón, do các đơn vị này không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, dẫn tới chi phí tăng, bị áp lực cạnh tranh bởi phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, mục đích chính của việc lựa chọn phân bón là mặt hàng không chịu thuế là để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thông qua việc không đánh thuế giá trị gia tăng để giảm giá giá phân bón đầu vào sản xuất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp.

Phân bón khi trở thành đối tượng chịu thuế, ví dụ ở mức 5% thì để đến tay người sản xuất nông nghiệp còn phải qua nhiều khâu trung gian thương mại, chứ không phải trực tiếp từ nhà sản xuất, nên đối tượng tính thuế sẽ bị cộng thêm ở từng khâu sản xuất đến các khâu thương mại. Với giả định như vậy, chuyên gia Nguyễn Đức Ngọc cho rằng, cần cân nhắc toàn diện về ảnh hưởng của chính sách mới này đối với người sản xuất nông nghiệp.

Đối với các đơn vị sản xuất phân bón hiện nay không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Tuy nhiên, số thuế này sẽ được kê khai làm chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chứ không phải doanh nghiệp phải gánh chịu toàn bộ số thuế giá trị gia tăng đầu vào. Để hài hòa giữa người sản xuất phân bón và người sử dụng phân bón trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chuyên gia Nguyễn Đức Ngọc kiến nghị, có thể cân nhắc xếp sản xuất phân bón vào nhóm hàng thuộc diện chịu thuế suất 0%.

Xem xét điều chỉnh quy định về dịch vụ tài chính phái sinh

Mặt khác, các đại biểu cũng nhận thấy, dự thảo luật quy định dịch vụ tài chính phái sinh không thuộc đối tượng chịu thuế là chưa bảo đảm sự phù hợp về mặt tên gọi thuật ngữ này với các quy định của pháp luật khác có liên quan, như pháp luật ngân hàng, pháp luật chứng khoán. Đánh giá cao những điểm sửa đổi, bổ sung rõ nét của dự thảo luật lần này là những điều chỉnh về mặt thuật ngữ nhằm bảo đảm tương thích với các quy định của pháp luật chuyên ngành, tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ rõ, bản thân những nhóm đối tượng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hoán đổi lãi suất... không được quy định với tên gọi chung là “dịch vụ tài chính phái sinh” như trong dự thảo Luật.

Cụ thể, khoản 9, Điều 5 dự thảo Luật hiện đang quy định: “Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật”. Song, theo TS. Nguyễn Minh Hằng, pháp luật có liên quan sử dụng thuật ngữ “công cụ tài chính phái sinh” hoặc “sản phẩm tài chính phái sinh” để đề cập tới những loại hợp đồng nêu trên. Theo đó, trong pháp luật ngân hàng, sản phẩm phái sinh lãi suất là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về lãi suất; sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được ngân hàng thương mại cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng. Trong pháp luật chứng khoán, chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn...

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, trong quá trình thực thi đã phát sinh một số vướng mắc, do hoạt động phái sinh hoặc sản phẩm phái sinh thì ngoài hoán đổi lãi suất, quyền chọn mua bán ngoại tệ trong lĩnh vực tín dụng còn có giao dịch phái sinh hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thực hiện khác.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính đã có các công văn số 10554/BTC-TCDN ngày 7.8.2012 và Công văn số 9878/BTC-CST ngày 30.7.2013 gửi Bộ Công Thương trả lời “các giao dịch phái sinh thông qua các hợp đồng hợp mua bán có kỳ hạn, hợp đồng mua bán tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”. Tổng cục Thuế cũng có Công văn số 5178/TCT-CS ngày 7.12.2020 trả lời  “Trường hợp giao dịch hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa được thực hiện theo quy định pháp luật về thương mại thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.

Hay, tại khoản 32, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định “sản phẩm phái sinh là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác”. Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không dùng cụm từ “dịch vụ tài chính phái sinh” mà là “sản phẩm phái sinh”.

Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, thuật ngữ “dịch vụ tài chính phái sinh” được thể hiện trong dự thảo luật cần được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cũng từ những phân tích nêu trên, để bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành và có sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong thực tiễn, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đề nghị sửa đổi điểm g, khoản 9, Điều 5 dự thảo Luật thành “Hoạt động hoặc sản phẩm phái sinh bao gồm: giao dịch hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn; hoán đổi; dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật”.

Minh Trang
#