Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt

- Thứ Tư, 06/03/2024, 20:32 - Chia sẻ

Theo ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG, việc tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã tác động sâu sắc, làm cho các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết chuyển động nhanh hơn, khẩn trương hơn. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, đùn đẩy, né tránh không vì lợi ích chung, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

 Tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác triển khai luật, nghị quyết vào nền nếp

- Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV sẽ diễn ra sáng mai, 7.3. Từ “việc chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt quan trọng” được tổ chức lần đầu tiên năm 2023 đến hội nghị lần này, theo ông, đã có những tác động như thế nào đến công tác triển khai thi hành pháp luật?

- Giám sát thi hành pháp luật là công việc thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng ta về “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Luật Đất đai (sửa đổi) có hơn 100 nội dung giao cho Chính phủ, các bộ quy định chi tiết, có liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan, chủ thể khác nhau. Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc thậm chí là bị tác động bởi những lợi ích cục bộ, không chính đáng, không vì sự phát triển chung là có thể xảy ra. Do đó, câu chuyện phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai phải được đặc biệt quan tâm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, tập trung vào 19 luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua. Hội nghị sẽ quán triệt các điểm mới, nội dung quan trọng, các nhiệm vụ Quốc hội giao, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiến hành giám sát, theo dõi, đánh giá. 

Hội nghị thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là dịp để các cơ quan rà soát, tăng cường sự phối hợp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nếu có, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Từ “việc chưa có tiền lệ nhưng đặc biệt quan trọng” khi được tổ chức lần đầu tiên năm 2023 đến lần này, việc tổ chức Hội nghị đã đi vào nền nếp, tác động sâu sắc đến việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội. Ngay từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị lần đầu tiên thì đã có tác động tích cực, làm cho các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết chuyển động nhanh hơn, khẩn trương hơn.

- Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm của hội nghị lần thứ hai?

- Tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng về: đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật -0
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, sáng 18.1. Ảnh: Lâm Hiển

Tại Hội nghị lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu triển khai 19 luật, nghị quyết. Chính phủ sẽ có báo cáo về việc chuẩn bị, triển khai các luật, nghị quyết. Các cơ quan của Quốc hội sẽ báo cáo về công tác giám sát và một số nội dung thuộc trách nhiệm trong việc triển khai các luật, nghị quyết. Hội nghị cũng sẽ nghe lãnh đạo một số bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai các luật, nghị quyết thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.

- Xin ông cho biết những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm nào được đặt ra với Chính phủ trong công tác triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội?

- Cùng với việc xem xét, thông qua các luật, nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải kịp thời bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật.

Đặc biệt, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung đã được giao tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng thời với thời điểm luật có hiệu lực thi hành; bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.

Chính phủ cũng cần lưu ý việc tổ chức triển khai và quy định chi tiết, hướng dẫn việc triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm. Tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và có giải pháp quyết liệt để thực hiệu hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, các yêu cầu, nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong đó, tiếp tục khẩn trương xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội.

​​​​​Trong số các luật và nghị quyết được triển khai tại Hội nghị có 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 28.11.2023; 1 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024; 5 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024; 4 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025; các nghị quyết còn lại có hiệu lực ngay từ khi được Quốc hội thông qua; ngoài ra, một số luật quy định các điều khoản cụ thể có hiệu lực sớm hoặc muộn hơn so với hiệu lực chung của luật.

Chính phủ cũng cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định mới của luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của luật, góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những nơi làm tốt, kiểm điểm, phê bình những cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao và có biện pháp chấn chỉnh.

Đặc biệt quan tâm công tác phối hợp, cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích chung trong hướng dẫn thi hành luật

- Trong số 9 luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm thì Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh là nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của cả nhiệm kỳ Khóa XV. Quá trình xây dựng, ban hành được đạo luật này có thể nói là hết sức công phu, kỹ lưỡng. Theo ông, việc triển khai đạo luật quan trọng này có ý nghĩa như thế nào?

- Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm với rất nhiều nội dung mới, đột phá. Chúng ta biết rằng, kể từ đạo luật đầu tiên được ban hành đến nay, Luật Đất đai đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và sửa đổi toàn diện. Với tính chất đặc biệt quan trọng của đạo luật này, những lần sửa đổi toàn diện trước đây, Quốc hội đã dành 3 Kỳ họp để xem xét, thông qua nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội dành đến 4 Kỳ họp để xem xét thấu đáo, giải quyết tối đa các vấn đề đặt ra, đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật -0
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, sáng 18.1. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Luật Đất đai (sửa đổi) là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, phát huy dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cử tri và Nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội”.

Như vậy để thấy rằng, điều gì có thể làm để có một đạo luật tốt nhất, hoàn thiện nhất thì Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đều đã nỗ lực cao nhất để làm. Với các luật, nghị quyết khác cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, Luật Đất đai là đạo luật khó, phức tạp, nhiều chính sách rất mới, rất đột phá nên công tác triển khai luật này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

- Theo ông, có những nhiệm vụ trọng tâm nào đặt ra với việc triển khai đạo luật đặc biệt quan trọng này?

- Nhiệm vụ quan trọng nhất là tất cả các cơ quan phải khẩn trương với quyết tâm cao nhất hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đúng thời hạn để bảo đảm hiệu lực thi hành của luật.

Như tôi đã nói, đây là công việc khó khăn, phức tạp bởi chỉ riêng về số lượng cũng đã rất lớn, có tới hơn 100 nội dung được Luật giao cho Chính phủ, các bộ quy định chi tiết, có liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan, chủ thể khác nhau. Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc thậm chí là bị tác động bởi những lợi ích cục bộ, không chính đáng, không vì sự phát triển chung là có thể xảy ra. Do đó, câu chuyện phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ này phải được quan tâm đặc biệt.

Quá trình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn, Chính phủ cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số nội dung tại Báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 ngày 2.11.2023 và Báo cáo số 724/BC-UBTVQH15 ngày 14.1.2024. Đặc biệt, cần chú trọng các nội dung về: đề xuất phương án thay đổi cách thức phân loại đất phù hợp với điều kiện và phương thức quản lý nhà nước trong điều kiện mới, xây dựng lộ trình thực hiện, coi đây là một trong những nội dung đột phá của giai đoạn tiếp theo.

Rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất thực sự cần thiết để xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu tại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch đô thị để không gây mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; bảo đảm tính khả thi, không làm phát sinh các chỉ tiêu sử dụng đất không hợp lý, thiếu linh hoạt, không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cản trở sự phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.

 Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai. Hướng dẫn chuyển tiếp đối với các nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc Luật giao Chính phủ theo đúng nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm, không quy định nội dung mang tính xử lý, giải quyết cho những trường hợp cá biệt.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024 và 8 luật được sửa đổi, bổ sung tại Mục 1 Chương XVI của Luật Đất đai năm 2024 (gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp).

- Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Quỳnh Chi thực hiện
#