Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Mong quyết sách sớm được thực thi!

- Thứ Tư, 06/07/2022, 05:39 - Chia sẻ

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đại diện doanh nghiệp, việc giảm thuế này sẽ có tác động trực tiếp tới giá xăng dầu và mong sớm được triển khai trong thực tế.

TS. NGUYỄN PHƯƠNG BẮC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh:
Cần xây dựng kịch bản điều hành sát với thị trường

Mong quyết sách sớm được thực thi!

Ngày 4.7, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức kịch khung, đưa mức thuế này xuống mức sàn đến hết ngày 31.12.2022.

Đặt trong bối cảnh ấy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp bất thường chỉ sau 2 ngày nhận được tờ trình của Chính phủ để xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thể hiện sự quyết liệt, khẩn trương vào cuộc, đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Khi nghị quyết này được thông qua chắc chắn sẽ giúp giá xăng, dầu giảm xuống, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, trong bối cảnh lạm phát, việc giảm thuế bảo vệ môi trường kịch khung cũng khó tạo ra tác động lớn tới giá xăng dầu. Các dự báo cho thấy, giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách dự phòng về lâu dài. Theo đó, cần có kế hoạch điều hành cụ thể sát với thị trường, đi liền với các giải pháp về chính sách thuế. Hiện, các thuế như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được tính đến trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng. Kịch bản phải chỉ rõ xăng dầu tăng đến mức nào thì dùng biện pháp thuế gì, làm cơ sở để chủ động triển khai trong thực tiễn.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel) NGUYỄN HỒNG ĐÀI:
Tín hiệu tích cực để giảm giá đầu vào

Mong quyết sách sớm được thực thi!

Du lịch và vận tải là hai ngành có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng theo giá thế giới, các doanh nghiệp du lịch vì thế cũng bị ảnh hưởng theo.

Thông thường, giá cước vận tải sẽ chiếm khoảng 30% cấu thành sản phẩm dịch vụ du lịch. Khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp du lịch cố gắng giữ giá các sản phẩm du lịch, thậm chí còn giữ nguyên như trước khi có dịch để kích cầu. Khó khăn chồng chất song chúng tôi vẫn nỗ lực để duy trì hoạt động, chấp nhận cảnh bù lỗ.

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục leo cao, việc Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức kịch khung là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp, bởi qua đó giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm phần nào. Chúng tôi đang rất trông chờ Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Mứcc giảm thuế bảo vệ môi trường lần này sẽ xuống mức kịch khung. Tuy vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xem xét các giải pháp khác để kiểm soát giá xăng dầu, bởi đây là đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành nghề. Nhìn bài toán đối với du lịch, xăng dầu chiếm 30% giá thành sản phẩm. Khi giảm 30% này thì sẽ có lợi cho 70% còn lại. Rõ ràng, hiệu quả của giảm giá xăng dầu được nhìn thấy rõ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN VĂN QUYỀN:
Xem xét giảm các thuế khác

Mong quyết sách sớm được thực thi!

Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Việc giá xăng dầu liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến các doanh nghiệp khó chồng khó, kiệt quệ nguồn tài chính, nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản.

Trước đây, giá xăng dầu chiếm khoảng 40% giá cước vận tải thì nay, với việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng theo giá thế giới, tỷ lệ này đã vượt lên 50 - 60%. Trong khi đó, giá cước vận tải dưới tác động của thị trường không thể tăng tương xứng, bởi nếu tăng giá cước sẽ khiến khách hàng từ chối sản phẩm dịch vụ.

Các doanh nghiệp vận tải đã có rất nhiều nỗ lực để chống chọi qua cơn bĩ cực từ việc tăng giá xăng dầu. Hiện, các doanh nghiệp đều cố gắng cầm cự để duy trì hoạt động cũng như duy trì hợp đồng với đối tác. Hầu như đều rơi vào cảnh thua lỗ.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Đặc biệt, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó sẽ giảm kịch khung để đưa về mức sàn, là một sự động viên hỗ trợ rất kịp thời đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu. Điều này thể hiện sự vào cuộc nhanh chóng của Quốc hội đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong lúc này, giảm được đồng nào về chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đều rất tốt. Song, trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn còn biến động khó lường, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm thêm các loại thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Riêng với thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt, nên xem xét giảm ít nhất 50%. Khi đó sẽ tạo ra sự điều chỉnh lớn trong giá xăng, dầu, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vì thế cũng sẽ rõ rệt hơn.

Minh Châu ghi