Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

Khắc phục hiệu quả các hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn

- Chủ Nhật, 21/04/2024, 18:22 - Chia sẻ

Sáng mai, 22.4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Trước đó, tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật, các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng đạo luật này nhằm thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng về quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Có nên tách bạch quy hoạch đô thị và nông thôn?

Tại Tờ trình dự án Luật của Chính phủ nêu rõ, đô thị hóa là quá trình tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Việc kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới và cần được quy định thống nhất trong cùng một luật để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại hai luật chính là Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đất đai năm 2013; Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch...

Khắc phục hiệu quả các hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn

"Hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhưng chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật. Việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng) và tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành", Tờ trình của Chính phủ cho biết. 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (nay đề xuất là quy hoạch đô thị và nông thôn) với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được quy định rõ. Do vậy, cần phải quy định trong một luật, thống nhất về tên gọi, làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, nhiều đại biểu tham dự Phiên họp thẩm tra sơ bộ do Thường trực Ủy ban Kinh tế tổ chức cho rằng, việc thống nhất quy định về quy hoạch đô thị và nông thôn tại một luật là cần thiết để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn. Tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (TP. Hà Nội) cho rằng, không nên phân biệt quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, thay vào đó, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) cần tập trung hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để ra cấu trúc cảnh quan và không gian tổ chức hoạt động xây dựng tại hai khu vực này.

Khắc phục hiệu quả các hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần tách biệt rõ quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong dự thảo luật. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, thực tế đã cho thấy quy hoạch nông thôn có nhiều điểm khác biệt nên phải được thể hiện rất chặt trong dự thảo luật. Mặt khác, trong quy hoạch nông thôn không chỉ cần quan tâm đến vấn đề sử dụng đất, rừng, mà còn nhiều vấn đề khác từ hệ thống quan điểm về xây dựng, phát triển nông thôn mới, đặc biệt là liên quan đến văn hóa, truyền thống phải được thể hiện rất chặt chẽ. Do vậy, các quy định tại dự thảo luật về quy hoạch nông thôn cần được tách ra, với quy trình và nội dung cũng cần phải tách biệt. 

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án luật, các đại biểu, chuyên gia cũng quan tâm đến việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tính đồng bộ giữa dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn với các luật liên quan.

Trong đó, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng phân tích, Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, đơn vị hành chính đặc biệt, đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, tại Điều 5 dự thảo luật quy định các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm: quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn và đô thị mới; quy hoạch nông thôn đối với huyện và xã; quy hoạch khu chức năng; quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương và đối với đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

“Luật Quy hoạch năm 2017 quy định phân cấp hành chính lãnh thổ, song, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vừa quy định theo phân cấp hành chính, vừa theo tính chất kỹ thuật, tính chất chuyên ngành… Như vậy, giữa hai luật về quy hoạch đã có hai quan điểm phân loại quy hoạch khác nhau”. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị, cần phân định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch chuyên ngành để có sự riêng biệt giữa thành thị và nông thôn, không bị chồng lấn với khối lượng quy hoạch chuyên ngành.

Khắc phục hiệu quả các hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn -0
Quang cảnh phiên họp 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định phân loại các đơn vị hành chính theo 5 tiêu chí (dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính, trình độ phát triển kinh tế và các yếu tố đặc thù). Song, dự thảo Luật quy định 6 loại đô thị, trong đó phân loại đối với nhóm thành phố trực thuộc Trung ương gồm đô thị đặc biệt và đô thị loại 1; nhóm thành phố trực thuộc tỉnh có đô thị loại I, II và III; thị xã phân loại thành đô thị loại III và IV; thị trấn phân loại thành đô thị loại IV và V.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, phân loại đô thị theo đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo dù đúng về mặt kỹ thuật, nhưng không thể bỏ qua đòi hỏi trong công tác quản lý Nhà nước với mỗi đơn vị hành chính. Nếu giữ cách phân loại đô thị như dự thảo Luật thì một đô thị có thể vừa trùng giữa phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính, song, cũng có thể sẽ không có sự trùng lặp giữa hai cách phân loại này. Khi đó, tổ chức bộ máy của chính quyền một đô thị có thể không tương xứng với thực tế phát triển của địa phương, dẫn đến quá tải cho bộ máy hành chính, chưa phúc đáp đòi hỏi của thực tế hiện nay.

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đồng thời, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng cũng như phúc đáp các đòi hỏi mới trong công tác này. Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ, chất lượng dự thảo luật. Trong đó, lưu ý một số quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ; rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định để khắc phục những hạn chế trong xác định quy hoạch chiều cao nền xây dựng hiện hành...

Lê Bình
#