Giám sát về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Giải pháp phải vừa có tính tổng thể, vừa đi vào cụ thể

- Thứ Ba, 23/04/2024, 16:55 - Chia sẻ

Cho ý kiến về Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” tại Phiên họp thứ 32, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, các giải pháp đưa ra phải vừa có tính tổng thể, vừa đi vào cụ thể, phù hợp với đặc điểm và việc sử dụng phương tiện của người dân. 

Kiến nghị cụ thể và thực sự khả thi

Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và công phu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Nguồn: quochoi.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Báo cáo sẽ góp phần tích cực vào việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát các đề xuất, kiến nghị, trong đó, cần tập trung vào những vấn đề cụ thể và thực sự khả thi.

Chuyên đề giám sát lần này có phạm vi từ năm 2009 – 2023, tức là từ sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành. Do đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần có sự đánh giá, so sánh kết quả thực hiện trong 14 năm qua với giai đoạn trước khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành, để thấy được điểm gì mới, điểm gì tiến bộ. Pháp luật về giao thông đường bộ từ năm 2009 – 2023 liên tục được hoàn thiện, sau khi có Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì các văn bản hướng dẫn và các luật có liên quan, kể cả Luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019 cũng có liên quan và tác động rất trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. 

Hay về tổ chức quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên đánh giá về cung cấp dịch vụ công, quản lý về kinh doanh vận tải, vận chuyển hành khách, hàng hóa, quản lý có tính chất chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ… có gì tốt, có gì còn hạn chế. Ví dụ như đăng kiểm, giai đoạn 2009 - 2023 là thời kỳ đổi mới về công tác đăng kiểm, trước kia đăng kiểm chỉ có Nhà nước thì vừa rồi là giai đoạn chuyển đổi, chúng ta đã xã hội hóa công tác đăng kiểm. 

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 4 yếu tố: đường, phương tiện, người tham gia giao thông và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và kinh doanh. Từ năm 2009 đến nay, đường bộ phát triển, được Nhà nước quan tâm đầu tư và có thành tựu lớn. “Chúng ta xã hội hóa nhiều, Nhân dân đóng góp nhiều, các quy định về thu phí cũng rất mới. Đầu tư mới nhiều, nâng cấp, sửa chữa nhiều, khắc phục được bao nhiêu điểm đen. Đây là thành tựu của cả nước và Nhân dân đóng góp, doanh nghiệp tham gia… Nhờ vậy đường đã tốt lên rất nhiều”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Về phương tiện giao thông, số lượng phương tiện tăng lên, chủng loại nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Đường tốt lên, xe tốt lên thì tai nạn tăng hay giảm? Nhắc lại giai đoạn trước đây, có những năm số liệu báo cáo cho thấy có tới 30.000 - 40.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, nhưng hiện nay, thống kê trong Báo cáo giám sát con số này khoảng 10.000 người, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, "rõ ràng đường nhiều lên, phương tiện tăng lên nhưng tai nạn, số người tử vong giảm đi. Đó là thành quả của công tác quản lý". 

Về ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, cách đây 5 - 6 năm việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được thực hiện rất tốt, chúng ta kiểm soát tương đối chặt chẽ, ngặt nghèo về mũ bảo hiểm, nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng khá nhiều. Hay tình trạng nhiều vụ tai nạn do không thắt dây an toàn. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải có tình trạng cố tình vi phạm pháp luật, bố trí lái xe không đủ tiêu chuẩn tham gia giao thông…

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Đoàn giám sát cần đưa ra các kiến nghị chi tiết. Đơn cử, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy là dứt khoát phải thực hiện nghiêm, kiểm soát mũ bảo hiểm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng; hay đi ô tô là phải thắt dây an toàn...

Rà soát, đánh giá lại tình trạng an toàn giao thông nông thôn

Nhấn mạnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn cũng ngày càng tốt lên, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn giám sát chưa đánh giá, thống kê tình trạng an toàn giao thông ở vùng nông thôn như thế nào. Có thực trạng, đường sá được bê tông hóa nhưng còn thiếu hệ thống liên quan nhằm bảo đảm an toàn giao thông ở nông thôn như: hệ thống đèn hiệu, biển báo giao thông, người bảo đảm an toàn giao thông, thậm chí cũng rất khó quản lý việc sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông ở những khu vực này. Do vậy, cần rà soát, đánh giá lại tình trạng an toàn giao thông ở nông thôn, đồng thời đề xuất giải pháp thiết thực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ở nông thôn.

Giải pháp phải vừa có tính tổng thể, vừa đi vào cụ thể -0
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, ở vùng nông thôn, nhất là vùng Tây Nguyên, hiện nay đang phổ biến việc sử dụng máy cày càng chứ không còn là máy cày 4 bánh như ngày xưa; còn có tình trạng kết hợp giữa phương tiện vận tải chở hàng hóa có thùng để chở người và đầu phát để sử dụng sơ chế các sản phẩm nông nghiệp… Những phương tiện này vẫn đang được lưu thông trên đường. Thậm chí, người dân còn rất "sáng tạo" khi đóng các thùng vừa để chở hàng, vừa để chở người từ nơi ở ra nơi sản xuất.

Giải pháp phải vừa có tính tổng thể, vừa đi vào cụ thể -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

"Về mặt quy định pháp luật như vậy rõ ràng là sai, những phương tiện nêu trên không được di chuyển trên đường giao thông chính, hay sắp tới đây, dự kiến chúng ta quy định không cho phép chở người trên thùng hàng". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, Đoàn giám sát cần cân nhắc đề xuất các giải pháp vừa có tính tổng thể, vừa đi vào cụ thể, phù hợp với đặc điểm và việc sử dụng phương tiện của người dân để từ đó tuyên truyền, định hướng, điều chỉnh hành vi của người dân, xem xét có phương tiện thay thế cho phù hợp, tránh việc chỉ quy định không được sử dụng phương tiện này, phương tiện khác nhưng lại không có phương tiện thay thế.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương khẳng định, tuy mới là báo cáo kết quả bước đầu trên lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng Đoàn giám sát đã làm tương đối tốt, rất đầy đủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cần có cách tiếp cận cụ thể hơn trên các lĩnh vực về đường, cơ sở hạ tầng, con người, phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho các loại hình giao thông, trong đó trọng tâm là giao thông đường bộ để có đánh giá và đề xuất hết sức cụ thể. 

Cùng với đó, cần tiếp tục làm rõ nội dung sản xuất, nhập khẩu, quản lý, đăng kiểm phương tiện giao thông gắn liền với kiểm định khí thải, giải quyết yêu cầu vừa bảo đảm an toàn nhưng vừa kiểm soát được khí thải để đề xuất các quy định cho phù hợp. Ví dụ, làm thế nào để quản lý xe công nông ở Tây Nguyên, đây là phương tiện đa dụng, vừa làm xe chở người, vừa làm máy nổ phát điện, vừa làm máy bơm nước, vừa là máy cày, máy rải hạt và gia đình ra rẫy tham gia giao thông trên đường quốc lộ cũng bằng phương tiện này. "Quản lý phương tiện này như thế nào cũng phải nghiên cứu và có kiến nghị cụ thể", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Anh Thảo
#