Trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào:

Đưa kết quả hội thảo vào thực tiễn một cách hiệu quả, chất lượng

- Chủ Nhật, 21/08/2022, 05:40 - Chia sẻ

Diễn ra trong không khí thắm tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, Hội thảo trao đổi kinh nghiệm - được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động Hội thảo, giao lưu công tác lần thứ 11 - giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào đã thành công tốt đẹp. Những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp hai cơ quan tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ Quốc hội hai nước, đóng góp thiết thực vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin 

Đại dịch Covid-19 diễn ra gần 3 năm qua đã đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng gợi mở nhiều cơ hội để đổi mới phương thức làm việc của cơ quan tham mưu, phục vụ Quốc hội. Vì thế, tại hội thảo, mối quan tâm chung của các đại biểu là những giải pháp, bài học kinh nghiệm được tổng kết, kiểm nghiệm, đúc rút từ thực tiễn hoạt động gần 3 năm qua để thích ứng với điều kiện "không bình thường" do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Đưa kết quả hội thảo vào thực tiễn một cách hiệu quả, chất lượng -0
Toàn cảnh hội thảo

Đưa kết quả hội thảo vào thực tiễn một cách hiệu quả, chất lượng -0

Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Lào có quan hệ rất chặt chẽ, thân thiết từ nhiều năm nay. Trong những khóa Quốc hội trước, được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, hỗ trợ trang thiết bị làm việc, hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên cho Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Lào. Báo Đại biểu Nhân dân luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, chuyên sâu với Báo Đại biểu Nhân dân của Lào để cùng thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội mỗi nước.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Quốc hội Việt Nam) Phan Thị Thùy Linh cho biết, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, Vụ Tổng hợp đã tham mưu xây dựng chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV theo hướng tận dụng tối đa thời gian (làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ), rút ngắn thời gian kỳ họp 8 ngày so với dự kiến để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, vừa hoàn thành nội dung đề ra. Cùng với đó, Vụ Tổng hợp đã tham mưu với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình khác với thông lệ kỳ họp đầu tiên của các khóa Quốc hội trước theo hướng: xem xét, quyết định cả nội dung công tác tổ chức - nhân sự và tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Vụ Tổng hợp cũng đã tham mưu xây dựng chương trình theo hướng kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với tình hình thực tế; tham mưu tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử 76 năm Quốc hội Việt Nam với các quyết sách quan trọng phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân.

Để bảo đảm các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội không bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi đại dịch, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Vụ Tin học đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài cơ quan xây dựng các phương án kỹ thuật, phần mềm họp trực tuyến và các ứng dụng khác. Vụ trưởng Vụ Tin học (Văn phòng Quốc hội Việt Nam) Trịnh Thái Anh cho biết, giải pháp này còn nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong tình hình mới. Những nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã bước đầu cho kết quả rất tốt, được các đại biểu đánh giá cao về hiệu quả và tiện ích. 

Cho biết trong giai đoạn đặc biệt vừa qua, Ban Thư ký Quốc hội Lào cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thư ký, tổng hợp phục vụ kỳ họp Quốc hội, Vụ phó Vụ Thư ký Soulasak Souvannavong mong muốn Văn phòng Quốc hội Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xây dựng chương trình, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp; bố trí nhân sự tại bàn thư ký kỳ họp…

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, Vụ trưởng Phan Thị Thùy Linh cho biết, đối với Quốc hội Việt Nam, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ xây dựng các nội dung dự kiến trong chương trình kỳ họp, thời lượng dành cho từng nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Chủ tịch Nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước để dự kiến chương trình kỳ họp chi tiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại Phiên họp trù bị của kỳ họp Quốc hội.

Với việc bố trí nhân sự tại bàn thư ký kỳ họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nêu rõ, điều này tùy thuộc vào chương trình làm việc hàng ngày của Quốc hội. Chương trình làm việc thể hiện nội dung, thời gian làm việc, nhân sự ngồi bàn Đoàn Chủ tịch, người điều hành, nhân sự ngồi bàn thư ký… Việc ghi chép sơ bộ diễn biến cuộc họp do các Phó Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện. Vụ Tổng hợp là đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ xây dựng biên bản kỳ họp, cụ thể hóa tất cả diễn biến của buổi họp trên cơ sở bản gỡ băng của Vụ Tin học. Ủy viên Ban Thư ký, Vụ trưởng các Vụ liên quan có trách nhiệm bám sát diễn biến nội dung phiên họp, kịp thời triển khai công tác tham mưu, phục vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Căn cứ nội dung thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo các ủy viên Ban Thư ký kịp thời tiến hành các công việc liên quan.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, việc tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận do Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan thực hiện. Công tác hỗ trợ Đoàn Chủ tịch về kỹ thuật, hậu cần, hành chính do Văn phòng Quốc hội chủ trì đảm nhiệm. Về nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo các Phó Tổng Thư ký, Ủy viên Ban Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị.

Đưa Quốc hội đến gần với cử tri thông qua công tác thông tin, tuyên truyền

Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội cũng là một nội dung quan trọng được các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. 

Việc tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội ngoài ý nghĩa giúp cử tri, Nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, còn giúp cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, góp phần tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ, sự tham gia ý kiến cũng như ý thức tự giác thực hiện các quyết sách của Quốc hội, nâng cao vị thế và hình ảnh của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vậy, Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội Việt Nam) Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, công tác thông tin tuyên truyền về Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của cử tri và Nhân dân cả nước. Vụ Thông tin đã tham mưu, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội bảo đảm tổ chức hiệu quả công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Kỳ họp Quốc hội. 

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác truyền thông, báo chí về hoạt động của Quốc hội, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, Báo Đại biểu Nhân dân hiện nay có hai ấn phẩm chính là báo in và báo điện tử. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác thông tin tuyên truyền về Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã mở nhiều chuyên mục, chuyên trang thông tin các sự kiện quan trọng gắn với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội; tổ chức tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội đối với những nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Ngoài khai thác thông tin từ hoạt động của Quốc hội và HĐND các địa phương, Báo Đại biểu Nhân dân còn chủ động khai thác nhiều nguồn thông tin khác, nhằm bảo đảm cung cấp nội dung kịp thời, phong phú, hấp dẫn, mang đậm hơi thở cuộc sống đến độc giả.

Trao đổi kinh nghiệm về việc kiểm soát, xử lý chặt chẽ, cẩn trọng thông tin được một số đại biểu Ban Thư ký Quốc hội Lào đặt ra, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nêu rõ, để khai thác những nguồn thông tin bên ngoài, lãnh đạo tòa soạn có văn bản xin trích dẫn, khai thác nguồn thông tin. Ngoài ra, với mạng lưới cộng tác viên rộng, Báo có địa chỉ thư điện tử (email) để tiếp nhận thông tin từ bạn đọc và cộng tác viên. Với những thông tin gửi về email của báo, Ban Thư ký tòa soạn tiến hành sàng lọc, phân loại thông tin trước khi chuyển về từng ban, phòng chuyên môn để xử lý thông tin.

Những nội dung được các đại biểu thảo luận, trao đổi tại hội thảo đều là những vấn đề rất thiết thực, cụ thể, xuất phát từ thực tiễn tham mưu, phục vụ của hai cơ quan giúp việc của Quốc hội hai nước. Tổng Thư ký Quốc hội Lào Pingkham Lasasimma nhấn mạnh, đây đều là những nội dung cấp thiết, hết sức quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan lập pháp trong thời đại mới, đúng với pháp luật, sát thực tiễn và ngày càng nâng chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, điều quan trọng là, các đại biểu của hai cơ quan sẽ đưa kết quả Hội thảo giao lưu công tác lần này vào áp dụng trong công việc thực tiễn một cách hiệu quả và chất lượng.

Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của thực tiễn cuộc sống, Quốc hội không ngừng đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Các cơ quan của Quốc hội; các cơ quan tham mưu, phục vụ cho Quốc hội vì thế cũng không ngừng sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc. Vì vậy, hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong đổi mới cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào không chỉ gói gọn trong phạm vi hội thảo lần này, mà như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã khẳng định khi kết thúc hội thảo "vẫn còn rất nhiều ý tưởng hay, kinh nghiệm quý của các đại biểu tham dự Hội thảo, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông qua các hoạt động hợp tác trong thời gian tới".

Nhật An