Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần bảo đảm không "vênh" với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

- Thứ Bảy, 26/08/2023, 16:02 - Chia sẻ

Có nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hay không là một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu giữ chính sách này thì cần chỉnh lý lại quy định trong dự thảo Luật bảo đảm không "vênh" với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. 

Tổ chức chính trị - xã hội có nên “ôm” vai trò chủ đầu tư?

Tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân còn có 2 loại ý kiến.

Bảo đảm không
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đó, nhiều ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tuy nhiên, do đây là các dự án nhà ở công nhân để cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động về nguồn lực đầu tư và khả năng thu hồi vốn, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư theo pháp luật đầu tư hay pháp luật đầu tư công và hình thức sở hữu đối với nhà ở hình thành trong dự án để có cơ chế quản lý phù hợp. Các ý kiến này cũng đề nghị cần chỉnh lý, bổ sung các quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.

Cùng quan điểm với luồng ý kiến không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, tổ chức chính trị - xã hội không nên “ôm” vai trò này, bởi "nếu làm không khéo thì không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có thể xảy ra trường hợp cán bộ vi phạm”. 

Vừa qua, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện thí điểm chủ trương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư một số dự án nhưng gặp vướng mắc vì không có nguồn lực ngân sách, con người. Nêu thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên làm đúng chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham mưu chính sách cho công nhân cho tốt, còn vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân nên giao cho UBND tỉnh, UBND huyện hoặc doanh nghiệp. 

Bảo đảm không
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh dẫn quy định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…”. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân và có những sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt chính sách, pháp luật thì cũng rất phù hợp và cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề án cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề này để đại biểu Quốc hội có đủ cơ sở cân nhắc, lựa chọn phương án phù hợp nhất. 

Cân nhắc kỹ lưỡng, giải trình thấu đáo

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết tâm thực hiện được chính sách làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, thì cần chỉnh lý lại cho phù hợp với pháp luật có liên quan. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư quy định các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà ở thì mới được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động là một tổ chức chính trị - xã hội rất rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

"Nếu vẫn giữ chính sách này thì nên chỉnh lý lại theo hướng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, làm việc tại các khu công nghiệp... thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tức là anh phải làm việc này nhưng thông qua doanh nghiệp chứ không phải là bản thân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đứng ra làm việc này". Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục cân nhắc, trao đổi thêm về quy định này, "dù có đi nữa thì không thể để vênh với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư". 

Bảo đảm không
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, đã có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất của công nhân là nhà ở. Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư cũng phù hợp với quy định của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; đồng thời giải quyết vấn đề bức xúc về nhà ở của người lao động cũng là thế mạnh cạnh tranh của Công đoàn Việt Nam so với các tổ chức chính trị xã hội khác.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” tại Quyết định 655/QĐ – TTg. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã là chủ đầu tư, triển khai một dự án nhà ở xã hội. Quá trình vận hành, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, không phát sinh vấn đề lớn. Sau này, Quyết định 1729/QĐ - TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ- TTg ngày 12.5.2017 phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” cũng nhận được sự ủng hộ của các địa phương. Đã có 36 địa phương giới thiệu địa điểm cho Tổng Liên đoàn Việt Nam triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ niềm tin và cơ sở triển khai thực hiện.

Bảo đảm không
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tới đây, xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để xây dựng các quy định phù hợp, khả thi, rà soát để bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Anh Thảo
#