20 năm chia tách Lai Châu thành Điện Biên và Lai Châu (mới) 2004-2024

Điện Biên, Lai Châu - mùa xuân đầu tiên

- Thứ Hai, 04/03/2024, 12:41 - Chia sẻ

Đó là mùa xuân năm Giáp Thân 2004.

Tháng 11.2003, Quốc hội Khóa XI (Kỳ họp thứ Tư đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh là Lai Châu (mới) và Điện Biên. Vào dịp Tết Giáp Thân 2004, Chủ tịch Quốc hội (Khóa XI) Nguyễn Văn An đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội lên thăm và chúc Tết Nhân dân hai tỉnh vùng cao Tây Bắc vừa mới được “thành lập”.

                                                     Ts. Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ôi! không biết có lần thứ hai nữa không... Chủ tịch Quốc hội múa dẻo quá, đẹp quá dân bản ơi - đó là lời của ông Vi Văn Nhọt, Trưởng bản Mển (bản con Nhím) nói lẫn trong âm thanh của dàn trống, chiêng đệm cho điệu múa tập thể của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Dân bản mời các thành viên trong Đoàn công tác cùng múa, ai nấy chân bước nhịp nhàng, tay dâng lên đồng loạt nhịp theo tiếng trống, tiếng chiêng tưng bừng, náo nhiệt, chuyển động theo vòng tròn ngược kim đồng hồ. Đây có lẽ cũng là nghi thức đón chào xuân sang của hầu khắp các bản trên khắp các rẻo cao của nước ta.

Bản Mển là bản văn hóa của xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Dân bản chào đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác khá rộn rã, nhộn nhịp. Niềm vui tinh thần của đồng bào các dân tộc có cốt cách vật chất khá chắc chắn. Là bản vùng cao, thời ấy chưa thủy lợi hóa, nhưng lương thực bình quân đầu người đã đạt tới 480 kg/năm. Cả bản chỉ có 2 hộ nhà lá, tất cả đã được ngói hóa; 75% số hộ có xe máy, 90% số hộ có tivi; tất cả các hộ đều sử dụng điện lưới; không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba, không có tệ nạn xã hội...

Nhìn các đĩa trái cây được bày biện trên bàn, ai cũng hình dung nơi đây là một vùng "hoa quả sơn” phong phú. Ai nấy đều trầm trồ khi thưởng thức món táo quả to như quả trứng gà so, xanh vàng, bắt mắt, có độ hấp dẫn tới mức không thể không nếm. Nếm rồi mới biết hương thơm, vị ngọt, ngon đáo để. Đây là một sản phẩm từ kết quả chuyển đổi giống cây trồng của bà con dân bản.

Khi Đoàn đến hay lúc rời đi, bà con dân bản trong trang phục quần áo sặc sỡ, tay cầm cờ đứng hai bên đường reo hò, vẫy tay không ngớt. Rất nhiều cụ già chờ bằng được để nắm tay Chủ tịch Quốc hội. Như hiểu rõ tấm lòng bà con, Chủ tịch Quốc hội khi ấy đã lần lượt nắm tay bà con đứng chật hai bên đường, từ em bé đến cụ già. Sau đó, bà con lưu luyến đi cùng Chủ tịch Quốc hội ra tận đường lớn.

Nhiều chị em dân bản hân hoan thì thầm: Lâu nay toàn nhìn thấy bác ấy trên ti vi, giờ mới được “nhìn rõ mặt, bắt chặt tay”.

Còn mấy anh thanh niên da ngăm, mắt sáng, có lẽ đã được phân công nhiệm vụ, nên luôn giữ một cự ly nhất định với Đoàn công tác. Nom sức vóc các anh, tôi chợt nhớ mấy câu thơ về các chàng trai H’Mông: Đã đi cày là cày lật đất/ Đã đi săn phải bắn được nai/ Đã xuống chợ phải ăn thắng cố/ Đã yêu ai phải lấy được ai...

Rời bản Mển, Đoàn đến thăm bản Tân Lập (bản mới được thành lập). Đây là bản gồm các hộ đồng bào dân tộc Thái tái định cư khi Nhà nước quyết định xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Tân Lập gồm 200 hộ, 1.099 nhân khẩu từ Chăn Nưa tới và 143 hộ sở tại thuộc xã Si Pa Phìn, huyện Mường Lay, Lai Châu (mới). Hồ hởi báo cáo với Đoàn công tác, anh Điêu Chính Thắm - Trưởng bản cho biết, dân bản rất ưng ý kiểu nhà tái định cư, vì "cấp trên" hiểu lòng dân nên đã dựng sẵn 5 mẫu nhà để dân bản bàn bạc, chọn mẫu mình ưng "cái bụng" nhất. Đây chính là mẫu nhà sàn nhưng làm bằng bê tông mà bà con đã đồng lòng chọn. Anh cũng cho biết, mỗi khẩu được cấp 500m2 đất canh tác, bây giờ đời sống đã tương đối ổn định, nhưng đề nghị với Chủ tịch Quốc hội nói với "ông Chính phủ", "ông tỉnh" cho phép dân bản khai hoang thêm đất và cung cấp đủ phân bón cho dân làm lúa, làm màu...

Vui cười tiếp lời anh, Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi xin ghi nhận ý kiến rất thiết thực của Trưởng bản, nhưng “ông tỉnh” đây (Chủ tịch chỉ vào 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên và Lai Châu cùng đi), trước tiên sẽ chỉ đạo việc xem xét cụ thể nhé...”.

Rời nhà Trưởng bản, Đoàn tiếp tục đến thăm các gia đình lân cận, trò chuyện với các cụ, các cháu, lúc này đoàn bà con dân bản đi theo Chủ tịch Quốc hội vốn đã đông giờ còn hơn "trẩy hội", càng đi lại càng “kết nạp” thêm các thành viên mới. Các cô gái Thái trẻ trung, duyên dáng, trong trang phục truyền thống làm cho chúng tôi không thể không nhớ đến những ca từ mộc mạc: “Người con gái Thái bước ra từ rừng hoa Ban. Em xuống suối tắm, cá tìm đến xem chân. Em lên nương, lúa ngã vào xem tay. Khi em hát, chim ngừng bay, lắng nghe. Đêm hội xòe, trai Mường Trời tìm đến xem mặt...”.

Vừa đi vừa trò chuyện, Chủ tịch hỏi bà con: "Các gia đình đã chuẩn bị Tết xong cả chưa?”. Tất cả bà con đều đồng thanh: “Xong rồi ạ!”. “Có gia đình nào thiếu bánh, thiếu rượu... không?”, “Không ạ, không thiếu gì cả!”. Tất cả đều rộn lên, cười vui thoải mái. “Bà con ăn Tết vui vẻ, khỏe mạnh, đoàn kết nhé! Sau Tết, các cháu tiếp tục đến lớp đông đủ, học cho giỏi nhé!”...

Xúc động hơn cả, đó là khi Đoàn công tác đến huyện Mường Tè. Chuẩn bị từ sáng sớm, nhưng do thời tiết và đường sá quá khó khăn, nên mãi hơn 16 giờ hôm ấy, Đoàn mới tới nơi. Tuy nhiên, khi tới nơi, bà con các dân tộc trong trang phục rực rỡ, hàng lối chỉnh tề đã chờ sẵn. Do thời gian rất eo hẹp nên lãnh đạo huyện đề nghị mời tất cả các tầng lớp Nhân dân (rất đông trẻ em) vào hội trường để Chủ tịch Quốc hội và Đoàn gặp gỡ, trò chuyện.

Do thành phần thiếu niên khá đông, nên Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng cho các cháu. Khi Chủ tịch hỏi Bác Hồ đã dạy thiếu niên, nhi đồng như thế nào, thì hầu như tất cả các cánh tay đều giơ lên thẳng tắp. Được mời phát biểu, một cháu đã đọc rất đúng ngữ điệu và mạch lạc 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng.

Câu chuyện của bà con với Đoàn hôm ấy rất dài, nhưng tựu chung, bà con đều hài lòng và tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước đối với miền núi, vùng cao, nhất là Chương trình phát triển các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Một cụ ông chia sẻ một cách rất tự nhiên: “Chúng tôi có nghe Quốc hội họp, có biết Chính phủ nói là chúng tôi chưa biết làm nhiều việc khó, chúng tôi còn lạc hậu, chưa tấn tới bằng ai; vì vậy, rất hoan nghênh các chỉ dẫn để mở mày, mở mặt. Nhưng xin đề nghị Nhà nước thêm cho chúng tôi vài cái “một ba lăm” (135)(1) nữa thì tốt quá, Tết này vui lắm...”.

Quả thực, càng đến với dân càng thấy tấm lòng rộng mở, thẳng thắn, tin tưởng của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và những nguyện vọng rất đỗi giản dị, thiết thực, chính đáng của bà con mà người lãnh đạo, quản lý ở mỗi cấp theo trách nhiệm của mình phải từng bước giải quyết có hiệu quả cao hơn.

Mùa xuân đầu tiên của Điện Biên và Lai Châu thật đầm ấm, vui tươi cũng là kết quả phấn đấu nhiều năm, trong đó có kết quả thực hiện các nghị quyết, chính sách về miền núi, dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đến thời điểm chia tách đã nâng cấp rải nhựa được 430 km quốc lộ và tỉnh lộ; nâng cấp và mở mới được 1.672 km đường giao thông nông thôn, xây dựng được 7.842 mét cầu, cống..., đạt 93,5% số xã có đường tới trung tâm (mục tiêu là 90%). Nhờ vậy, nhiều nơi trước đây mất 2 ngày mới đi được một phiên chợ thì bây giờ xuống chợ, về chợ chỉ trong một ngày, có nơi chỉ một buổi. Theo cách nói của đồng bào thì bây giờ “cam, quýt, mận... từ trên núi trượt xuống đường cái, chạy ra chợ nhanh như ngựa guồng”...

Chia tay Đoàn, hai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều quả quyết rằng, đó mới là mùa xuân đầu tiên. Miền núi, vùng cao còn lắm gian nan, nhưng Đảng bộ và Nhân dân chúng tôi theo đà này phải chiến đấu quyết liệt hơn nhiều để cuộc sống của các dân tộc vùng cao Tây Bắc sẽ là những mùa xuân trọn vẹn, mùa xuân vĩnh hằng.

------------------------------

(1) Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.

#